Huyện Chơn Thành được xem là thủ phủ sản xuất cao su giống của tỉnh Bình Phước. Cũng như nhiều ngành nghề khác, nghề nào cũng có lúc thịnh, lúc suy theo nhu cầu của thị trường. Nhiều năm gần đây, giá mủ cao su lao dốc, thủ phủ cao su giống khá ảm đạm.
Sau một mùa 2017 nhộn nhịp, những tưởng năm nay, thủ phủ cao su giống đã khởi sắc trở lại, nhưng với thực tế nhu cầu thị trường thấp, người làm giống cao su lại tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Năm nay, việc tiêu thụ cao su giống ở Bình Phước gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: KT) |
Bà Lê Thị Tuyết, ngụ ấp Hòa Vinh I, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành cho biết, năm nay, nhà bà đầu tư khoảng 250 triệu đồng để sản xuất cây cao su giống trên diện tích 1 ha, chủ yếu là giống BB260, Rim 600, GT1, Lai hoa 90952. Hiện nay, đang giữa mùa mưa, là thời vụ trồng cây cao su nhưng sức tiêu thụ rất chậm, giá cao su giống thời điểm này khá thấp, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà bà Tuyết mới chỉ bán được 20.000 cây, bằng 1/10 số cây giống hiện có. Với giá bán như hiện nay, gia đình bà lấy công làm lời, mà không bán được thì coi như thua lỗ nặng.
“Công thì mắc, công ghép thì mấy trăm ngàn một ngày, mà bán cây thì có người ghép rồi nhưng chưa trả tiền. Giá cả thị trường bấp bênh, năm nay người nông dân lỗ nhiều”.
Tương tự, hộ ông Trần Văn Quời cùng trú tại ấp Hòa Vinh 1, từ đầu mùa đến nay mới bán được khoảng 20.000 cây. Ông Quới cho biết, hiện 1 cây giống cao su có giá từ 1.500- 2000 đồng, còn cây giống cao su đặt trong bầu có giá từ 4.000-4.500 đồng, chỉ bằng một nửa so với năm trước và nông dân muốn bán để gỡ lại vốn cũng không dễ. Năm nay, người trồng vất vả hơn vì cây bán chậm, giá lại giảm 50% so với năm trước.
Cả huyện Chơn Thành có hơn 500 hộ gia đình chuyên làm cây cao su giống. Năm 2017 do đầu ra dễ, giá cao su giống lại cao, người trồng cao su giống có thu nhập tốt nên năm nay nhiều hộ lại đầu tư sản xuất cao su giống. Khi “gió đổi chiều” như năm nay, nhiều chủ vựa cao su giống lại loay hoay tìm đầu ra để gỡ lại vốn.
Ông Lê Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành cho biết:“Năm nay bà con gặp rất nhiều khó khăn, năm sau bà con cần để ý hơn tới nhu cầu của thị trường, không nên sản xuất ồ ạt để cung vượt quá cầu, như vậy sẽ thiệt hại lớn. Bà con gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, rất mong hội nông dân tỉnh, ngân hàng chính sách hỗ trợ cho bà con để bà con giảm bớt khó khăn và có vốn tái sản xuất”.
Trong thời gian tới, khi giá cả và nhu cầu thị trường cao su giống chưa thể kiểm soát được, người sản xuất cần tính toán kỹ về diện tích làm giống để không rơi vào tình trạng cung vượt cầu dẫn đến thua lỗ như năm nay./.
Ra quân thi công, xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su 9.000 tấn/năm