Bộ Công Thương cho biết, đề xuất cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phép quyết tăng giá bán điện bình quân ở mức từ 3% đến dưới 5% là phù hợp với quy định tại Luật Điện lực. Cơ quan này cũng khẳng định, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việcEVN điều chỉnh giá bán điện bình quân theo quy định.
Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân có một số điểm thay đổi chính. Cụ thể, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 3 tháng, thay vì 6 tháng như quy định tại Quyết định 69. Đối với trường hợp tăng giá điện, với mức tăng từ 3% đến dưới 5% EVN sẽ được quyền quyết định; còn mức tăng từ 5% đến dưới 10% thì Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân và trên 10% là do Chính phủ quyết định.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cũng cho biết, để giám sát việc điều chỉnh tăng giá điện của EVN, trong Dự thảo Quyết định mới đã quy định trường hợp EVN quyết định điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan xem xét, kiểm tra các báo cáo, tính toán của EVN.
Bộ Công Thương được phép mời tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo của EVN, nếu phát hiện có các sai sót trong kết quả tính toán giá điện, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu EVN giảm hoặc dừng tăng việc tăng giá điện.
Hàng năm, sau khi có báo cáo quyết toán chi phí sản xuất, kinh doanh điện, báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập của EVN và các đơn vị thành viên, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, mời Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tham gia kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện của năm trước liền kề. Khi kết thúc kiểm tra, Bộ Công Thương chủ trì họp báo công bố công khai kết quả./.Cân nhắc trao thẩm quyền cho EVN quyết định tăng giá điện