Nhiều thách thức
Giai đoạn 2011 - 2015, EVN đã giảm tổn thất điện năng (TTĐN) từ 10,15% năm 2010 xuống 7,94% năm 2015 (giảm 2,21%), hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Có thể nói, đây là một nỗ lực rất lớn của ngành Điện, trong bối cảnh cơ cấu nguồn điện chưa cân bằng được giữa các vùng miền, kinh phí đầu tư cho lưới điện còn hạn chế, nhất là hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn mà ngành Điện mới tiếp nhận quản lý, vận hành từ các hợp tác xã mua bán điện với hiện trạng đã cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng...
Theo kế hoạch, năm 2016, EVN phải đưa tỉ lệ TTĐN xuống còn 7,7%. Tuy nhiên, đây là một thách thức không nhỏ đối với EVN và các đơn vị thành viên. Tính đến hết tháng 6 năm 2016, tỉ lệ TTĐN của EVN là 7,92%, cao hơn kế hoạch 0,22%.
Việc giảm TTĐN ở khu vực lưới điện hạ áp nông thôn cũng là một thách thức đối với EVN. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo đánh giá của cơ quan khí tượng thủy văn, hạn hán tại miền Nam được đánh giá là diễn biến bất thường và nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua. Đi liền với hạn hán, tình trạng thiếu nước các hồ thủy điện đã khiến nguồn điện cung cấp tại chỗ trong khu vực miền Trung và miền Nam giảm mạnh. Để đảm bảo cấp điện cho miền Nam an toàn, liên tục, đường dây cao áp 500 kV Bắc - Nam luôn phải truyền tải công suất cao thời gian qua để đưa điện từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam, dẫn đến TTĐN cao.
“Chúng ta chấp nhận truyền tải sản lượng cao trên đường dây 500 kV Bắc - Nam để khai thác hiệu quả nguồn điện, hạn chế phải huy động các nguồn điện khác có giá thành cao tại phía Nam, cũng như đảm bảo hệ thống điện an toàn về lâu dài. Nếu nhìn nhận chỉ tiêu TTĐN dưới góc độ hiệu quả kinh tế chung của cả hệ thống điện thì việc truyền tải cao trên hệ thống Bắc Nam là lựa chọn tối ưu, dù tổn thất cao, nhưng lại đảm bảo nhiều lợi ích khác lớn hơn về mặt kinh tế và an ninh năng lượng”, ông Lê Việt Hùng - Phó Trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN giải thích.
Bên cạnh tổn thất cao trên lưới điện truyền tải, việc giảm TTĐN ở khu vực lưới điện hạ áp nông thôn cũng là một thách thức đối với EVN. Trong nhiều năm qua, ngành Điện đã tiếp nhận khối lượng lớn hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn trên cả nước. Sau khi tiếp nhận, các đơn vị trực thuộc EVN đã nỗ lực đầu tư, cải tạo, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khu vực trên cả nước, lưới điện đã cũ, chưa có vốn để đầu tư, nâng cấp cũng gây ra tổn thất cao trong quá trình vận hành...
Đồng bộ các giải pháp
Năm 2016, EVN dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành 9 tổ máy với công suất 2.534 MW, trong đó có các tổ máy của Thủy điện Lai Châu, Huội Quảng, Trung Sơn, Sông Bung 2 và Nhiệt điện Duyên Hải 3; hoàn thành và đưa vào vận hành 351 công trình lưới điện từ 110-500 kV với tổng chiều dài đường dây 4.792 km, tổng dung lượng trạm biến áp 21.243 MVA...
Song song với việc đầu tư xây dựng, EVN cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp từ công tác quản lý, kỹ thuật vận hành, tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm sử dụng điện đến đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, có ý thức phòng chống các hành vi ăn cắp điện...
“Trong điều kiện vận hành như hiện nay, mục tiêu giảm TTĐN xuống 7,7% đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị, đặc biệt là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các tổng công ty điện lực”, ông Lê Việt Hùng cho hay.
Về lâu dài, nhằm tiếp tục giải bài toán tổn thất điện năng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, các cơ quan liên quan cũng như EVN phải đảm bảo đầu tư đồng bộ hệ thống nguồn và lưới điện tương ứng với tăng trưởng phụ tải. Hạn chế vận hành quá tải thiết bị điện trên lưới điện, đảm bảo chỉ số dự phòng. Cùng với đó, cần phải cân bằng năng lượng theo vùng, tránh truyền tải công suất lớn đi xa...
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết, nhằm đáp ứng yêu cầu cung điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, đồng thời giảm TTĐN hiệu quả, giai đoạn 2016 - 2020, EVN đầu tư xây dựng 24 tổ máy thuộc 13 dự án nguồn điện, với tổng công suất 6.989 MW; trong đó có nhiều dự án nguồn điện trọng điểm, cấp bách cấp điện cho miền Nam như: Nhiệt điện (NĐ) Duyên hải 3, NĐ Duyên Hải 3 mở rộng; NĐ Vĩnh Tân 4, NĐ Vĩnh Tân 4 mở rộng...
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đầu tư các công trình nâng cao năng lực hệ thống điện truyền tải, đáp ứng tiêu chí N-1 cho lưới điện từ 110 - 500 kV... Đồng thời, tiếp tục nâng điện áp từ 6, 10, 15 kV lên 22 kV, nhằm nâng cao khả năng cung cấp điện, giảm tỉ lệ TNĐN trên lưới trung áp.
Các đơn vị phân phối điện cũng đang và tiếp tục tích cực áp dụng các giải pháp quản lý trong giám sát mua bán điện, theo dõi chặt chẽ tổn thất điện năng trên từng tuyến trung thế, từng trạm biến áp công cộng, khoanh vùng các khu vực có tổn thất điện năng cao và thực hiện các biện pháp kiểm tra tìm nguyên nhân, đưa giải pháp khắc phục kịp thời.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về chủ trương xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, sử dụng điện an toàn, hiệu quả cần được các đơn vị trong ngành Điện triển khai mạnh mẽ, với sự chung tay của các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng xã hội./.