Trưa 22/7, quầy hàng thịt heo của bà Lê Thị Hương tại chợ Bình Thới (quận 11) còn vài dây sườn non đang chờ khách mua. Cứ tưởng nay hết hàng sớm, nhưng bà Hương xua tay: “Thịt heo giá cao nên ế ẩm lắm, trước đây mỗi ngày chúng tôi bán cả trăm kg thịt nhưng giờ chỉ lấy đủ số lượng bạn hàng đặt trước, dôi dư vài kg mới bán lẻ thôi”.
Theo bà Hương, giá heo mảnh tại chợ đầu mối hiện đã 83.000 đồng/kg, giá tăng từng ngày, mỗi ngày một giá. Các sản phẩm thịt heo sau khi lóc đã tăng 30% so với hồi đầu tuần, cụ thể sườn non 200.000 đồng/kg (tăng 30.000 đồng/kg); thịt ba chỉ 150.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg). “Giá xăng giảm nhưng ở chợ đầu mối, nhà cung cấp không giảm giá, thậm chí còn tăng nên việc bán buôn càng thêm khó khăn”, bà Hương nói.
Tại chợ Phú Lâm (quận 6), chị Trương Mỹ Tiên (32 tuổi, giáo viên tiểu học) thở dài trước giá các loại rau củ, thịt cá đều đứng ở mức cao. “Rau xà lách lên tới 60.000 đồng/kg, cải bó xôi 50.000 đồng/kg, các loại cà chua, hành vẫn ở mức 30.000-50.000 đồng/kg. Ở siêu thị, giá các mặt hàng vẫn chưa có gì thay đổi. Hỏi tiểu thương thì được biết, do thời tiết mưa bão, nguồn rau đứt hàng nên giá sẽ còn cao hơn chứ khó có thể giảm”, chị Tiên chia sẻ.
Với nhóm hàng hóa nhập khẩu, giá cũng không giảm theo giá xăng. Cụ thể, sữa Similac nhập khẩu loại dành cho bé 1 tuổi có giá trên 700.000 đồng/hộp, các loại ngũ cốc dinh dưỡng vẫn trên 350.000 đồng/kg, bột mì Canada 90.000 đồng/kg... Ông Lê Thanh Hòa, chủ cửa hàng tạp hóa Lê Hòa (Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh) chuyên kinh doanh thực phẩm nhập khẩu cho rằng, để hàng hóa nhập về đến tay người tiêu dùng phải mất ít nhất một tháng. “Giá của hàng hóa nhập khẩu ảnh hưởng bởi thị trường thế giới, nên chỉ khi giá nguyên liệu thế giới giảm thì hàng nhập trong nước mới có thể hạ giá. Hiện, giá nguyên liệu đầu vào của các sản phẩm ngũ cốc, sữa, đường, dầu cọ đang tăng 40-60% so với 6 tháng đầu năm 2021 nên hàng hóa hiện vẫn giữ giá cao, thậm chí còn tăng dù giá xăng trong nước hạ nhiệt”, ông Hòa nói.
Mới tạm thời làm chững lại giá hàng tiêu dùng
Chiều 22/7, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (V.Food) cho rằng, giá trứng đang có xu hướng tăng trở lại vì giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng, nguồn cung trứng hạn chế đẩy giá lên theo. “Giá xăng dầu hạ nhiệt là điểm sáng để làm chững đà tăng của giá hàng hóa trên thị trường, nhưng giá sẽ khó giảm bởi mỗi sản phẩm bao gồm nhiều chi phí. Riêng với trứng, chi phí vận chuyển chỉ chiếm khoảng 15-20%, trong khi đó các chi phí khác như thức ăn chăn nuôi, bao bì đóng gói, nhân công, nhãn mác... tăng 20-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi đang cố gắng cầm giữ giá thấp hơn thị trường khoảng 15% nhưng không biết có thể giữ được bao lâu”, ông Thiện chia sẻ.
Theo đại diện Công ty Vissan, giá xăng dầu chiếm không nhiều trong cơ cấu giá của hàng hóa đơn vị sản xuất. Do đó, việc giảm giá bán thực phẩm theo mức giá xăng dầu là không dễ. Thực tế, hàng thịt tươi sống và nguyên liệu cho thực phẩm chế biến lại đang tăng giá nhanh thời gian qua.
Trước diễn biến của giá xăng dầu, nhiều hệ thống siêu thị tại TPHCM phải tự điều tiết giảm giá để giữ khách hàng. Theo đại diện các siêu thị, giá bán phụ thuộc vào mức tăng giảm của nhà sản xuất nên trước thông tin giá xăng sẽ giảm sâu, siêu thị cũng kỳ vọng giá hàng hóa sẽ giảm để người tiêu dùng bớt đi các chi phí. Ông Lê Hữu Tình, đại diện siêu thị Emart cho biết, dù xăng đã hai lần giảm giá nhưng hầu như chưa có nhà cung cấp nào đề nghị giảm giá hàng hóa. “Để hỗ trợ khách hàng, siêu thị tự đầu tư ngân sách để giảm giá bán, tăng thêm chương trình khuyến mãi dành cho người tiêu dùng”, ông Thắng bộc bạch.
Theo đại diện Sở Công Thương TPHCM, giá mặt hàng bình ổn bán ra trong thời gian qua tăng không nhiều, thậm chí không tăng. Do đó những mặt hàng này không giảm theo mức giảm giá xăng. Ngoài ra, giá xăng dầu chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng cơ cấu giá thành của nhiều thực phẩm, trong khi đó nguồn nguyên liệu chiếm phần nhiều chi phí thì giá lại tăng. Vì vậy cần có phương án giảm giá nguyên vật liệu mới giúp giá bán thực phẩm giảm nhiều.
Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM nhìn nhận, giá xăng giảm hai lần vừa qua chỉ tạm thời làm giảm sức ép lên DN, tạm thời chặn đà tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng, tạm thời chặn nguy cơ lạm phát... chứ chưa thể đưa DN trở về trạng thái hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả để điều chỉnh giảm giá hàng hóa tiêu dùng xuống. “Một số yếu tố làm tăng chi phí quản lý DN như thiếu vốn, thiếu lao động, chi phí logistics tăng, thị trường tiêu thụ chưa khởi sắc, sức mua giảm khá sâu, dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp… Do đó, DN phải dự báo, dự phòng những rủi ro nên cũng khó tính toán chiến lược dài hạn”, ông Dũng phân tích.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận định, giá xăng dầu giảm thì chắc chắn những hàng hóa có tác động trực tiếp phải giảm như cước phí xe chở khách du lịch, xe vận tải dạng hợp đồng. Sau đó, sẽ có những sản phẩm lần lượt được giảm theo tùy theo sự tác động ở mức độ nào của giá xăng dầu. Bởi với nhiều sản phẩm, giá xăng dầu chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá thành. Trong khi đó, giá thành hàng hóa còn phụ thuộc vào các chi phí đầu vào, từ nguyên phụ liệu đến nhân công và cả cung - cầu trên thị trường.
“Hiện nay, chuỗi cung ứng hàng hóa, thị trường lao động vẫn chưa hoàn toàn hồi phục như thời điểm trước khi có dịch COVID-19 đã khiến cho mặt bằng giá đều tăng cao nên khó giảm đồng loạt”, ông Hiển nói./.