"Đối tượng lừa em đưa bọn em xuống chỗ làm rồi ký hợp đồng, xong mấy người là tổ trưởng ra chỉ việc và hướng dẫn cách làm. Em làm được hai ngày thì thấy những người đến trước bị đánh, thâm chí bị họ dùng rùi cui điện để trích. Từ lúc đấy em định xin nghỉ rồi, nhưng em cố gắng làm thêm 3 ngày nữa mới xin nghỉ, rồi em gọi điện bảo bố mẹ em chuộc về".

"Hôm trước, cháu nó bảo đi làm ở Hà Nội cùng bạn, được mấy hôm sau cháu gọi điện về bảo đã đi sang Campuchia rồi, họ bắt ký hợp đồng làm đến Tết. Bây giờ bảo muốn về không về được, chúng nó không cho về. Lúc đi cháu nó bảo đi làm chỗ nọ chỗ kia, bây giờ bị lừa dẫn đi xa vậy gia đình chẳng biết làm thế nào nữa"

Đó là lời tâm sự của nạn nhân Lù Văn Tiên, 17 tuổi, dân tộc Dao ở bản Suối Thầu, xã Bản Giang, huyện Tam Đường và chị Lèng Thị Êm, dân tộc Giáy ở bản Tả Sin Chải 1, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu. Sau 5 ngày bị giam giữ tại Campuchia, bởi lời mời chào đường mật “việc nhẹ lương cao”, gia đình Tiên đã phải trả cho các đối tượng lừa đảo số tiền gần 100 triệu đồng. Còn con trai chị Êm là cháu Lù Văn Phi thì đến nay vẫn bặt vô âm tín trên đất khách quê người.

Với chiêu bài lừa “chỉ cần biết bấm máy tính là có việc làm và mức lương tháng 800-1.000 USD” trên mạng xã hội, hiện nay tại Lai Châu đã có gần 30 nạn nhân sập bẫy, trong đó chủ yếu là trẻ vị thành niên khi theo các đối tượng xấu vượt biên sang lao động tại Campuchia. Hơn chục nạn nhân đã được gia đình bỏ tiền để chuộc về; nhiều người còn lại thì gia đình đang đàm phán với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng và có nạn nhân đến nay gia đình đã mất liên lạc.

Thượng tá Lý Văn Hà, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, đơn vị  đã nhận được danh sách trình báo của 10 gia đình và 10 nạn nhân này cũng chưa về. Công tác giải cứu các nạn nhân đã được cơ quan công an phối hợp với các lực lượng khác thực hiện theo trình tự, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn do yếu tố nước ngoài và đã mất liên lạc nên không biết rõ các nạn nhân đang ở đâu. Giải pháp tối ưu để ngăn chặn hiện tượng lừa đảo này vẫn là tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, tránh bị mắc lừa.

"Ở bên này các cháu làm những công việc nặng nhọc như phụ vữa, làm đồng áng nên khi nghe thấy bên kia mức lương cao như vậy sẽ dễ bị lừa. Khi sang bên đó không đáp ứng được yêu cầu của họ sẽ bị họ đánh đập; các gia đình cũng khai báo nhưng mình cũng chưa giải cứu được và họ cũng chưa thả về. Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Lai Châu cũng đã tham mưu cho Ban Giám đốc để tuyên truyền đến các cháu, đến người dân; khi thấy người lạ nhắn tin, gọi điện trên zalo, facebook khuyến cáo các cháu không được nghe và không được dấu việc này với người lớn, nhất là bố mẹ, để bố mẹ nắm được tình hình như vậy để còn đến trình báo với cơ quan công an để con cháu mình đỡ phải bị lừa", Thượng tá Lý Văn Hà nói.

Không có khu công nghiệp, nhưng ở Lai Châu hiện nay đang phát triển các mô hình nông nghiệp lớn như: chè, mắc ca, cao su, quế... Các chủ đầu tư đang có nhu cầu tuyển và sử dụng lao động người địa phương nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn, khi một bộ phận lao động không mặn mà ở lại. Với tư tưởng ra ngoài khám phá, nhiều lao động trẻ vị thành niên đã rời quê để sẵn sàng đương đầu với rủi ro.

Với 4.800ha trong gần 7.000ha cao su đã đưa vào khai thác, theo định mức sử dụng lao động đơn vị phải cần khoảng 1.600 công nhân cạo mủ. Công ty Cổ phần cao su Lai Châu đang thiếu lao động. Dù đã có nhiều chính sách ưu đãi như mức lượng ổn định từ 4,5 đến 6 triệu đồng/tháng, đóng bảo hiểm theo quy định để thu hút, tuyển dụng lao động, nhưng đến nay đơn vị cũng chỉ có khoảng 1.000 công nhân. Việc lao động tại địa phương không mặn mà với công việc làm công nhân cạo mủ cao su, khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn trong bố trí định mức lao động tại các vườn cây.

Ông Lò Văn Thương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần cao su Lai Châu cho biết, nguyên nhân lực lượng lao động phổ thông làm công nhân của công ty thời gian qua không ổn định là tư tưởng một số ít họ dao động với việc làm mời gọi ở ngoại tỉnh. Tại đơn vị, những năm qua vẫn có tình trạng công nhân bỏ vườn cây để đi làm ở các khu công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc... Nhiều lao động khi bỏ về vào làm công nhân cạo mủ cao su cho biết, mức lương ở các tỉnh có cao hơn ở địa phương, nhưng họ phai tăng ca làm và trừ nhiều loại chi phí như thuê nhà, sinh hoạt cũng không còn được bao nhiêu.

"Lao động ở địa phương họ xuống các khu công nghiệp để làm, hầu hết là những người mới trưởng thành, mới học hết cấp 2 hoặc cấp 3, chưa có vợ con gì, chưa có vợ con gì, chưa có gì ràng buộc nên thích đi làm ăn xa. Nhưng mà theo tôi nghĩ các khu công nghiệp họ sử dụng lao động phổ thông cũng chỉ 3 đến 4 năm thôi, cuối cùng các lao động đó lại trở về địa phương. Vì vậy tôi nghĩ những năm tới nguồn lao động tại địa phương cũng sẵn có để tuyển dụng", ông Thương nói.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu, khoảng 5 năm trở lại đây trung bình mỗi năm địa phương có trên 10.000 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó, có khoảng 3.000 đến 4.000 học sinh tiếp tục học tại các trường THPT và trường nghề. Số còn lại chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải bươn trải tìm kiếm việc làm để phụ giúp gia đình.

Tại các trường học THCS và THPT, nhất là môi trường nội trú hoặc bán trú, ngoài trang bị kiến thức theo chương trình học, các nhà trường cũng đã trang bị kỹ năng sống cho học sinh. Nhiều mô hình nông trại học tập như làm V.A.C hoặc trang bị kỹ năng giao tiếp đã giúp học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trước khi rời ghế nhà trường bước vào đời. Tuy nhiên, sự nỗ lực của một mình ngành Giáo dục và Đào tạo thôi là chưa đủ mà cần có sự vào cuộc, chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành mới có thể giúp các em tự tin hơn khi bước vào thị trường lao động việc làm.

Ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết: "Các học sinh học hết THCS cũng đã có đủ kiến thức để có thể học nghề, tham gia vào thị trường lao động của đất nước. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với các ban, ngành liên quan có công tác tuyên truyền, tư vấn cụ thể đến các nhà trường, để giới thiệu những trường nghề, những nhu cầu việc làm của xã hội. Các trường cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các cá nhân để tổ chức những ngày hội tư vấn hướng nghiệp và tìm hiểu nghề nghiệp đối với các cháu ngay tại trong trường".

Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS hoặc THPT là lực lượng lao động trẻ và là nhân tố tương lai được kỳ vọng sẽ đóng góp sức lực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương. Với tỉnh nghèo biên giới Lai Châu, địa phương có nền kinh tế phụ thuộc chính vào sản xuất nông nghiệp, nhu cầu lao động phổ thông sẽ cần ngày càng nhiều. Tuy nhiên, để giữ chân được lao động ở lại, địa phương cần có một giải pháp đồng bộ từ trang bị kỹ năng sống trong các trường học, đào tạo nghề và một chiến lược bền vững về lao động - việc làm./.