Chiều 22/7, tại Cần Thơ, Viện Kinh tế, xã hội thành phố Cần Thơ phối hợp với Trường Hàng không và Logistics Việt Nam (VILAS) tổ chức Hội thảo “Vai trò của quản trị logistics và chuỗi giá trị cung ứng trong sự phát triển kinh tế, xã hội tại Đồng bằng sông Cửu Long”.
Ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình hoạt động của xã hội, đặc biệt là trong sản xuất, lưu thông và phân phối các sản phẩm và dịch vụ. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê, dịch vụ logistics chiếm khoảng từ 16-20% GDP và hoạt động logistics mang lại giá trị to lớn cho nền kinh tế của quốc gia.
Theo các chuyên gia, hiện nay, ngành logistics Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận được thị trường logistics rộng lớn với những ưu đãi thương mại để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. Địa hình nước ta rất phù hợp để phát triển cơ sở hạ tầng logistics như phát triển cảng nước sâu, sân bay quốc tế, các trung tâm logistics; việc hội nhập logistics quốc tế cũng tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển quan hệ đối tác, thị trường xuất khẩu được mở rộng, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tuy nhiên, đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây tổn thất đến mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, du lịch đến đời sống con người trên toàn cầu. Đặt biệt, đại dịch đã gây áp lực nặng nề lên khả năng sản xuất cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu hay còn là ngành dịch vụ logistics.
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL có lợi thế và hội đủ loại hình vận tải đường sông, đường biển, đường bộ và hàng không, nhưng hiện có hơn 1.460 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4,39% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước, với chi phí logistics vùng ĐBSCL chiếm tới 30% giá thành sản phẩm, khiến cho hàng hóa khó cạnh tranh.
Ngoài ra, điểm nghẽn lớn nhất đối với kinh tế vùng ĐBSCL chính là hệ thống logistics trong việc kết nối chuỗi cung ứng từ khâu đầu vào đến khâu phân phối, tiêu thụ ra thị trường.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện kinh tế- xã hội thành phố Cần Thơ cho rằng: "Hạ tầng logistics cho vựa nông sản lớn nhất cả nước chưa phát triển, thiếu liên kết và đồng bộ. Trong khi đó hàng nông - thủy - hải - sản phải vận chuyển nhanh, hoặc thu hoạch xong có nơi bảo quản, sơ chế đúng tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, các kho lạnh, kho mát, nơi tập kết hàng nông sản tại ĐBSCL nhỏ lẻ, trừ một số doanh nghiệp chuyên về mặt hàng gạo, thủy sản, còn lại các mặt hàng trái cây thì chưa có hệ thống xử lý đạt chuẩn. Các doanh nghiệp ĐBSCL còn gặp một số rào cản về đường bộ, hạ tầng biển cũng như hạ tầng đường hàng không"./.