Dù giá xăng đã giảm sâu nhưng giá vé xe khách chỉ giảm thưa thớt, thậm chí có doanh nghiệp không giảm. Trong đó, vé xe về Tết từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh được nhiều doanh nghiệp vận tải tự ý áp mức phụ thu cao nhất- tăng 60% so với ngày thường. Cơ quan chức năng làm gì để ngăn tình trạng làm giá của nhà xe?

Cầm trên tay 3 tấm vé về Tết vừa mua được của nhà xe Từ Thiện, anh Nguyễn Văn Mạnh, 36 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, hiện là công nhân khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức không hài lòng vì giá vé tăng quá cao. Anh Mạnh mua vé cho gia đình đi vào ngày 28 Tết, giá 700.000 đồng/vé, tăng hơn 300.000 đồng/vé so với ngày thường.

Anh Nguyễn Văn Mạnh bức xúc: “Với giá vé cao gấp rưỡi như thế này, gây khó cho người dân vì Tết ai cũng muốn về quê”.

adf_exrx.jpgNhiều khách hàng bức xúc vì giá vé xe Tết tăng cao khi giá xăng đã giảm (Ảnh minh họa:KT)

Nhiều hành khách khác cũng bức xúc như anh Mạnh. Bởi giá xăng dầu đã giảm sâu, đồng nghĩa với việc giá vé xe, trong đó có vé xe Tết cũng phải được điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho hành khách. Nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn còn lừng khừng trong việc kê khai giảm giá vé theo giá xăng.

Tại bến xe miền Tây, hiện còn 20/130 doanh nghiệp hoạt động tại bến chưa kê khai giảm giá. Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc bến xe Miền Tây lí giải: Những đơn vị chưa kê khai giảm với lý do trước đây xăng dầu tăng nhưng cước không tăng thì nay xăng dầu giảm nên cước giữ nguyên. Riêng với vé Tết ở bến xe này áp dụng mức phụ thu cao nhất là 40% so với mức giá vé ngày thường. Thời gian phụ thu là 6 ngày gồm bốn ngày trước Tết và hai ngày sau Tết.

Bến xe miền Đông hiện cũng còn khoảng gần 100/214 doanh nghiệp chưa kê khai giảm giá cước. Đáng nói là có 5 doanh nghiệp kê khai tăng giá, như: tuyến Thành phố Hồ Chí Minh về Sông Hinh, Phú Yên doanh nghiệp tăng thêm 60.000 đồng/vé, từ 250.000 đồng/vé trở thành 310.000 đồng/vé.

Ông Thượng Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc bến xe Miền Đông cho rằng: Mức phụ thu vé Tết của năm ngoái và năm nay là ngang nhau. Việc phụ thu là để bù đắp chi phí chiều chạy rỗng chứ không phải xăng giảm mà giá vé tăng. Tuy nhiên so với Tết năm ngoái, giá vé năm nay đã giảm từ 5 - 10% so với ngày thường.

Năm 2014, Thanh tra Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện và phạt 8 doanh nghiệp vận tải vi phạm việc kê khai và bán quá giá niêm yết với số tiền 120 triệu đồng. Riêng từ đầu năm 2015 tới nay, Thanh tra Sở cũng phát hiện 2 doanh nghiệp vi phạm với lỗi tương tự.

Ông Nguyễn Tấn Bình, Chánh Thanh tra Sở Tài chính cho biết: để kiểm soát nguy cơ “làm giá” của các hãng xe khách trong dịp Tết Nguyên đán, Thanh tra Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Đoàn thanh tra liên ngành của Bộ, tăng cường công tác kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải làm nghiêm túc. Doanh nghiệp nào sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Qua kiểm tra 11 doanh nghiệp, trong đó có 2 doanh nghiệp vi phạm về đăng kí và niêm yết giá. Đang tiến hành xử phạt 2 doanh nghiệp này 15 triệu đồng/doanh nghiệp.

Có thể thấy, trên thực tế, giá xăng dầu đã giảm, nhưng hành khách vẫn chưa được các nhà xe giảm giá vé. Tết năm nay, hàng vạn học sinh sinh viên, công nhân lao động nghèo vẫn tiếp tục phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ mới có thể sum vầy bên gia đình. Như vậy, những lần tăng giá xăng thì hành khách luôn được kêu gọi chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp vận tải. Còn với giá xăng như hiện nay, liệu doanh nghiệp vận tải đã thực sự nghĩ đến quyền lợi của người tiêu dùng hay chưa?!./.