Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nguyên nhân dẫn đến giá lúa gạo tăng mạnh là do xuất khẩu gạo tháng 2 vượt kế hoạch đề ra 400.000 tấn, cao hơn tháng trước đó 5,44% và cao hơn cùng kỳ năm ngoái 117%. VFA lưu ý, mặc dù giá thị trường đang có xu hướng tăng do nguồn cung giảm nhưng nhu cầu vẫn còn yếu nên chưa tạo động lực mới.

Lùng sục thu mua lúa

Dù phải chống chọi vất vả với hạn mặn nhưng hiện nay, nông dân vùng ĐBSCL rất phấn khởi vì giá lúa tăng đột biến. Ở thời điểm này, nông dân địa phương bán lúa chất lượng cao tại ruộng giá trên 7.000 đồng/kg, lúa thường cũng ở mức gần 6.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau một vụ lúa, nông dân có lãi trên 30 triệu đồng/ha.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, nông dân xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) phấn khởi cho biết: “Nông dân ở đây mừng lắm. Vụ này giá lúa tăng cao không ngờ. Dù phải tốn chi phí bơm nước chống hạn nhưng vẫn có lãi. Hy vọng giá lúa duy trì được như thế này thì nông dân vui lắm”.

thu_hoach_lua_copy_bqfv.jpg
Nhờ các giải pháp chống hạn mặn hiệu quả nên lúa ở Tiền Giang được mùa, trúng giá

So với đầu vụ Đông Xuân thì giá lúa hiện nay tăng gần 1.000 đồng/kg nhưng nguồn cung ngày càng ít dần, thương lái đang lùng sục để thu mua. Tại vùng “ngọt hóa Gò Công” của tỉnh Tiền Giang, nhờ các giải pháp chống hạn mặn có hiệu quả nên nhiều diện tích lúa đạt năng suất từ 7 - 7,5 tấn/ha.

Ông Ngô Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) cho biết: “Vừa qua dù có ảnh hưởng của khô hạn, nhưng nhờ được sự hỗ trợ của Nhà nước bơm nước tạo nguồn cho dân nên năng suất lúa rất cao. Giá lúa đầu vụ 6.200 đồng/kg hiện lên đến 7.000 đồng/kg. Với giá này nông dân lãi 3,1-3,2 triệu/công (trên 30 triệu/ha). Đặc biệt năm nay, thương lái cạnh tranh nhau mua chứ không có ép giá, rất có lợi cho nông dân”.

Do hạn mặn hay do đầu cơ?

Theo các ngành chức năng, giá lúa ở vùng ĐBSCL tăng cao là do ở cuối vụ sản lượng lúa Đông Xuân còn ít; đồng thời, hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực đều bị ảnh hưởng hạn, mặn gây giảm năng suất nên thương lái và doanh nghiệp thu mua lúa tạm trữ đã đẩy giá lúa gạo liên tục tăng cao.

Ông Phùng Văn Nhã, thương lái thu mua lúa hàng sáo ở tỉnh Long An cho biết: “Lúa ở vùng ĐBSCL hiện nay rất khó mua vì một số người dân cho rằng do ảnh hưởng nước mặn, lúa chết nên đẩy giá lên. So giá lúa hiện nay với lúc đầu vụ thì giá tăng khoảng 800 đồng/kg. Giá cao thế mà cũng khó mua vì vùng ĐBSCL sắp hết mùa vụ rồi”.

Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính đến giữa tháng 2 vừa qua, diện tích vụ lúa đông xuân ở khu vực này có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn hán trên 340.000ha, chiếm gần 22% toàn vùng. Trong đó diện tích đã bị ảnh hưởng nặng lên đến 104.000ha. Trước thông tin này, nhiều người có tâm lý tích trữ lúa gạo chờ giá cao nữa mới bán.

Doanh nghiệp gặp khó

Giá lúa gạo tăng cao khiến vui mừng của nhà nông nhưng lại là nỗi lo lắng của doanh nghiệp chế biến lúa gạo xuất khẩu vùng ĐBSCL. Phải thu mua lúa gạo với giá rất cao khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến các hợp đồng đã ký kết với đối tác nước ngoài vào thời điểm giá còn thấp. Giá tăng còn làm giảm khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam trước gạo của các nước xuất khẩu khác.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, cho hay: “Với một loại gạo cùng phẩm cấp, lâu nay gạo Việt Nam sẽ khó có thể bán với giá cao hơn so với gạo Thái Lan. Thế nhưng hiện giá gạo 5% tấm ở trong nước giá 380-390 USD/tấn, trong khi Thái Lan chỉ 360 USD/tấn nên chúng ta rất khó bán cho thị trường thế giới”.

Đến nay, Công ty Lương thực Tiền Giang mới mua được 40.000 tấn gạo, đạt 16% kế hoạch năm. Dù giá lúa tăng cao nhưng doanh nghiệp này phải thu mua theo hợp đồng đã ký kết với nông dân theo giá thị trường. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đầu ra của lúa gạo vẫn chưa có chuyển biến mới. Do đó, giá lúa gạo hiện nay là tăng ảo, có khả năng sụt giảm bất thường.

Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang kiến nghị các ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần tuyên truyền cho người dân biết được tình hình thiên tai, hạn mặn tuy có gây thiệt hại cho sản xuất lúa nhưng không đến mức thiếu nguồn cung. Vì thực tế hiện nay diện tích lúa xuân hè ở các địa phương trong vùng ĐBSCL vẫn phát triển tốt.

Bà Trần Thị Nguyên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: “Đến nay nông dân địa phương đã thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, lúa đã bán hết. Riêng vụ xuân hè thì phát triển rất tốt, có khả năng cho năng suất cao. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung làm cống ngăn mặn, chống hạn để giúp lúa phát triển tốt”.

Giá lúa gạo tăng như hiện nay chưa có biểu hiện bất thường, đây chỉ là giá tăng ảo, người dân, không nên đầu cơ, gây ra cơn sốt lúa gạo./.