Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cách đây hơn 1 năm được cho là “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc với lượng xuất chuồng và quy mô chăn nuôi thuộc dạng “khủng”. Thời kỳ phát triển mạnh hồi đầu năm ngoái, có nhiều hộ chăn nuôi đến vài ngàn con, thu lãi vài tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, trong hơn 1 năm diễn ra cuộc khủng hoảng giá, giá lợn chạm đáy, rẻ hơn cả khoai lang, đã có nhiều hộ chăn nuôi bỏ chuồng, phá chuồng vì không trụ nổi “tâm bão” giá. Điều này khiến quy mô đàn lợn ở “thủ phủ” lợn Ngọc Lũ sụt giảm mạnh, người dân thua lỗ, lầm vào cảnh nợ nần.
Nhiều hộ chăn nuôi ở xã Ngọc Lũ đã bỏ chuồng không vì "cạn vốn" do thua lỗ nặng trong thời kỳ khủng hoảng giá hơn 1 năm qua. |
Thời kỳ giá lợn rẻ ngang khoai lang (khoảng 15.000 đồng/kg) vào giữa năm ngoái, gia tài của anh T. ở đội 2, xã Ngọc Lũ đã lần lượt “đội nón ra đi” khi cả đàn lợn vài trăm con của anh bán đi không đủ tiền trả tiền mua giống. Lợn “gặm” cả sổ đỏ, “gặm” hết cả số vốn liếng vợ chồng anh làm lụng tích cóp cả chục năm trời.
Nay đàn lợn của anh T. hiện chỉ còn vài con, nuôi để có “đồng ra đồng vào”. “Vốn đã cạn, tiền nợ lãi ngân hàng không biết đến bao giờ trả được. Vợ chồng tôi sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi lợn. Giờ giá lợn đã phục hồi, nếu nuôi là có lãi, nhưng chẳng biết lấy đâu ra tiền để mua giống, mua thức ăn chăn nuôi”, anh T. buồn rầu nói.
Đang tìm đường vào miền Nam lập nghiệp, trường hợp của gia đình chị L. ở đội 6, xã Ngọc Lũ cũng là một câu chuyện buồn. Hộ nhà chị L. có 5 người, hiện đều trong độ tuổi lao động nhưng nghề chăn nuôi không giúp chị thoát nghèo được nữa bởi bao nhiêu tiền của “lợn ăn sạch rồi”.
Chị L. và chồng phải đi làm phụ hồ, còn các con chị sau khi không tìm được việc ở các nhà máy khu vực lân cận, đã tính đường vào miền Nam xin việc vì trong đó có nhiều doanh nghiệp đang tuyển công nhân.
“Phải rời bỏ quê hương tìm đường làm ăn ở xứ người là một quyết định mạo hiểm. Nhưng dù không mong muốn nhà tôi vẫn phải đi, nếu cứ bám trụ ở làng thì không biết phải xoay xở ra sao để kiếm ăn và trả nợ vì thua lỗ do nuôi lợn”, chị L. chia sẻ.
Sau một năm phải “giải cứu”, đến thời điểm này, giá thịt lợn hơi đã tăng vượt mốc 40.000 đồng/kg trên khắp cả nước. Tại miền Bắc, có nơi giá lợn đã chạm ngưỡng 45.000 đồng/kg. Với mức giá này, anh P. ở xóm Thượng ở xã Ngọc Lũ (Hà Nam) cho biết, người chăn nuôi đã có thể thu lãi tới cả triệu đồng mỗi con, nếu không có bệnh dịch và giá thức ăn chăn nuôi ổn định.
Trong những ngày tăng giá này, không phải ai cũng được hưởng lợi từ đà phục hồi của giá lợn hơi. Bởi chỉ những trang trại lớn, trường vốn, giỏi xoay sở mới duy trì được đàn, còn lại đa số những nông hộ nhỏ lẻ đều đã “bỏ cuộc”.
Kể cả những trang trại lớn cũng không được hưởng lợi một cách trọn vẹn bởi họ đều đã phải giảm đàn để giảm lỗ. Đa số người dân nơi đây hiện mang tâm trạng tiếc nuối, buồn rầu bởi họ đang lâm vào cảnh “lợn không, chuồng trống” khi giá lợn vọt cao.
Chỉ có vài người như chị H. ở đội 4, xã Ngọc Lũ dám "đánh liều" giữ lại một lượng heo nhất định và tìm mua con giống để tái đàn khi thị trường xuất hiện một số đồn đoán giá sẽ lên cao hơn. Chị H. có điều kiện thuận lợi là chị đang làm đại lý bán thức ăn gia súc nên có được nguồn thức ăn cho lợn ổn định, giá “tận gốc”.
Chỉ số ít người chăn nuôi ở xã Ngọc Lũ còn trụ được đến thời điểm hiện tại khi giá lợn hơi đang phục hồi. |
Hiện các trang trại của chị H. có khoảng gần 1.000 con, và cũng là số ít gia đình ở xã Ngọc Lũ có mức tái đàn lớn đến như vậy.
Theo một số hộ chăn nuôi lợn cho biết, dù nguồn cung khan hiếm, thương lái gặp khó khăn trong việc thu gom hàng nhưng người dân cũng không còn “sức” để nuôi vì “đói vốn, đói giống”.
Khảo sát mới đây của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, các yếu tố khiến giá lợn tăng liên quan đến nguồn cung và nhu cầu mặt hàng thịt lợn hiện nay vẫn là cung – cầu trong nước, lượng xuất khẩu tiểu ngạch rất ít.
Thời gian tới, dự báo nhu cầu tiêu thụ thịt lợn các tháng mùa hè sẽ giảm, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng do các nguyên liệu chính nhập khẩu tăng cao./.