Đàn lợn của nông dân tỉnh Tiền Giang duy trì trên 600.000 con. Gần đây, giá cả bấp bênh nên đa số người chăn nuôi lợn bị thua lỗ nặng.
Để giúp nông dân nuôi lợn có lãi, ngoài việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, lai tạo giống tốt, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân áp dụng các mô hình nuôi lợn theo hướng hợp tác, chăn nuôi theo chuỗi giá trị và theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 29 tổ hợp tác và 3 hợp tác xã trên lĩnh vực chăn nuôi; trong đó, có 3 cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chí VietGap gồm Tổ hợp tác Chăn nuôi lợn xã Thới Sơn -Thành phố Mỹ Tho, Công ty Chăn nuôi Tiền Giang và Hợp tác xã Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công.
Điển hình như Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tại Khu công nghiệp Mỹ Tho đã xây dựng được 14 mô hình chăn nuôi liên kết chăn nuôi heo với hộ dân, quy mô khoảng 2.200 con; tổ hợp tác Chăn nuôi lợn xã Thới Sơn - Thành phố Mỹ Tho duy trì được việc tiêu thụ lợn hơi cho xã viên với giá đảm bảo cho người nuôi có lãi.
Ông Huỳnh Hữu Tài, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi lợn xã Thới Sơn cho biết, nhờ sự hỗ trợ của các cấp từ xã đến tỉnh thành lập chuỗi hợp tác chăn nuôi lợn theo VietGAP, có hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm với người cung cấp thức ăn và người mua lại sản phẩm đầu ra nên được giá cao hơn. Với giá 2,8 triệu này vẫn cao hơn giá thị trường các nơi khác.
Theo ông Tài, muốn hạn chế thấp nhất thua lỗ về nuôi lợn thì phải nuôi theo chuỗi, hạn chế dịch bệnh, ít sử dụng kháng sinh để con lợn phát triển tốt hơn./.