Hiện nay, giá lợn hơi trên thị trường đang có nhiều biến động, khoảng một tuần trở lại đây có xu hướng giảm. Trong đó khu vực miền Trung và miền Nam giảm từ 3.000 - 4.000 đồng/kg so với tuần trước và đang dao động trong mức 90.000 - 94.000 đồng/kg. Khu vực miền Bắc cao hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Nhiều địa phương trước đây có giá 103.000 đồng/kg nay cũng giảm còn 98.000 - 99.000 đồng/kg.

Thông tin này giúp dân buôn bán thịt lợn cũng như tiểu thương nuôi hy vọng sẽ thoát khoản lỗ lớn đã phải gánh suốt nhiều tháng qua.

Dân buôn lỗ cả trăm triệu đồng mỗi chuyến hàng

Tại chờ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam những ngày giá lợn ngấp nghé 95.000 - 100.000 đồng/kg, lượng lợn được tiêu thụ giảm chỉ còn 1/3 so với bình thường. Nhiều chủ buôn ngán ngẩm vì không bán được hàng, có người cho biết lỗ cả trăm triệu đồng mỗi chuyến.

Anh Lê Văn Thực, một chủ buôn cho biết: "Buôn lợn cũng như đánh bạc, có khi lãi vài chục triệu đồng mỗi chuyến nhưng cũng có lúc lỗ vài trăm triệu. Đợt vừa rồi có chuyến tôi lỗ gần 200 triệu đồng".

Theo anh Thực, thời tiết mùa hè khiến lợn dễ bị tụt cân, mỗi chuyến xe về lợn có thể bịt hao từ 5 - 7kg, lúc đó dân buôn lại phải lưu hàng lại 1, 2 tuần để lợn hồi phục sau đó mới bán được ra thị trường.

Người này cũng cho biết, nhiều công ty báo giá trên giấy tờ khi xuất bán lợn là 70.000 - 80.000 đồng/kg nhưng để đến được tiểu thương ngoài chợ phải qua 3 - 4 cầu nữa. Người mua nhỏ lẻ một vài xe không thể nhập được mối này.

Nhiều dân buôn lỗ cả trăm triệu đồng vì giá lợn tăng cao. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Nhiều dân buôn lỗ cả trăm triệu đồng vì giá lợn tăng cao. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Một đại diện doanh nghiệp chuyên cung cấp lợn với số lượng lớn tại chợ này cũng thông tin, mỗi chuyến công ty nhập về khoảng 10 tỷ đồng tiền lợn (tương ứng với khoảng 1.000 con). "Mỗi con chỉ cần hao 3kg thôi là chúng tôi đã mất 250 - 300 triệu đồng cho mỗi chuyến hàng. Chính vì thế chúng tôi phải đầu tư hệ thống chuồng trại khoảng một tỷ đồng để nuôi cho lợn hồi lại cân rồi mới bán. Nhưng đợt này giá lợn tăng quá cao nên số lượng lợn tiêu thụ được cũng giảm đi nhiều so với bình thường", người này chia sẻ.

Bên cạnh việc hao hụt từ vận chuyển, các thương lái tại đây cũng phải đối mặt với tình trạng giá lợn lên xuống thất thường, vì nhập vào giá cao nhưng sau hai tuần nuôi để lợn hồi phục, nếu giá lên thì có thể lãi nhưng nếu giá xuống thì sẽ chịu cảnh lỗ kép, vừa lỗ giá bán vừa lỗ tiền chăm nuôi trong 2 tuần.

"Đa phần lợn tại chợ này đều được bắt từ khu vực miền Trung và miền Nam ra, trong đó giá có thể chệnh 3.000 - 4.000 đồng/kg so với ngoài Bắc nhưng chỉ cần giá lợn giảm khoảng 2 giá là chắc chắn sẽ thua lỗ", vị này nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Lộc, trưởng ban quản lý chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam: "Trước đây khi giá lợn dao động ở mức 70.000 - 80.000 đồng/kg lượng lợn tiêu thụ ở chợ mỗi ngày lên tới 700 - 800 con, nhưng hiện tại, mỗi ngày tại chợ này chỉ bán được khoảng 200 - 300 con. Dù lượng khách đến vẫn đông như vậy nhưng lượng hàng đi chậm hơn nhiều, chỉ bằng 1/3 đến 1/2 so với bình thường".

Không chỉ những chủ buôn lớn báo lỗ hàng trăm triệu đồng, nhiều tiểu thương bán lẻ tại các chợ dân sinh cũng cho rằng, thời điểm này việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lượng hàng bán ra chỉ bằng một nửa so với bình thường. Buôn bán không có lãi thậm chí lỗ nhưng vẫn phải đứng quầy vì nếu không sẽ mất chỗ và mất khách quen.

Một dân buôn lỗ gần 200 triệu đồng sau vài chuyến hàng. (Ảnh: Ngọc Khánh)

 

"Nếu như trước đây mỗi ngày tôi bán được một con lợn móc hàm thì nay chỉ dám nhập nửa con. Nhiều hôm bán không hết, chỉ cần tồn vài cân lợn là lỗ nặng, làm cả tuần không lại được. Như giá nhập hiện tại là 125.000 - 127.000 đồng/kg lợn mảnh sau đó tôi chia ra để bán lẻ. Trong đó nhiều phần như xương, mỡ chỉ bán được 30.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi đó nhập vào là 125.000 đồng/kg, như vậy tính ra mỗi cân xương lỗ khoảng 75.000 đồng/kg. Hôm nào chợ vắng, ế khoảng 5 cân thịt coi như lỗ từ 400.000 - 500.000 đồng", chị Lê Thị Nhị, tiểu thương bán thịt lợn tại Thanh Xuân chia sẻ.

Cũng giống như chị Nhị, nhiều tiểu thương tại các chợ cũng đang trong tình cảnh càng bán càng lỗ khiến nhiều người sẵn sàng "treo" sạp nghỉ chợ.

Doanh nghiệp đồng loạt báo lãi lớn

Mới đây, Tập đoàn Dabaco thông tin về lợi kết quả kinh doanh đầy khả quan khi chỉ trong 2 tháng 4,5 của quý 2/2020, doanh thu của Dabaco đạt 2.016 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế ước đạt trên 70% so với quý trước. Tổng doanh thu 5 tháng đầu năm của Dabaco đạt 4.483 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 593 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Nông súc sản Đồng Nai (Dolico) cũng có quý kinh doanh đầy thắng lợi trong quý 1/2020, doanh nghiệp này lãi trước thuế vượt 141 % kế hoạch của năm với 39 tỷ đồng (cả năm ngoái doanh ngày này chỉ lãi 27 tỷ đồng).

Tương tự, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cũng có doanh thu thuần quý 1 tăng 21% so với cùng kỳ đạt 1.453 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính, khoản thu thịt tươi sống gần 669 tỷ, doanh thu từ thực phẩm chế biến xấp xỉ 742 tỷ đồng là hai mảng đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Lãi sau thuế của Vissan đạt gần 47 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ./.