Từ đầu năm đến nay, giá cây keo nguyên liệu tăng mạnh, nên các chủ rừng tranh thủ thời tiết nắng ráo tổ chức khai thác những diện tích rừng đã đến chu kỳ thu hoạch. Giá gỗ keo nguyên liệu tăng lên 1,3 triệu đồng/tấn, tăng 200.000đ/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Với giá này, người trồng keo thu lãi lớn. Theo tính toán của những hộ chuyên trồng rừng sản xuất ở Quảng Ngãi, trong suốt chu kỳ 5 năm đầu tư cho 1 ha rừng keo từ tiền mua cây giống, công cuốc hố, trồng cây giống và bón phân lót… chi phí hết khoảng hơn 20 triệu đồng. Sau chu kỳ 5 năm là thu hoạch. Với giá 1,3 triệu đồng/tấn như hiện nay, người trồng rừng có lãi bình quân khoảng hơn 60 triệu đồng/ha.

baodantoc_quang_ngai_nega.jpg
Việc khai thác keo chưa đủ tuổi kéo theo nhiều hệ lụy. (Ảnh minh họa/KT)

Anh Phạm Văn Thính ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: "Trong gia đình tôi có 8 ha. Trong 6 năm tôi thu số tiền được 60 triệu đồng. Đợt hai tôi khai thác được 70 - 80 triệu đồng".

Điều đáng lo ngại là khi giá keo nguyên liệu tăng cao đã xảy ra tình trạng người dân ồ ạt bán keo non. Với 3 ha keo nếu để thêm vài năm nữa thì lợi nhuận sẽ tăng gấp đối nhưng anh Đinh Văn Xuất, ở xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi vẫn kêu người đến bán.

Theo anh Đinh Văn Xuất, dù biết năng suất keo non giảm, giá cả cũng thấp hơn với keo đủ tuổi khoảng 2 đến 3 giá nhưng vì cần tiền quá nên anh bán.

"Tôi có 3 ha. Tôi trồng, khai thác rồi trả ngân hàng mà mình vay vốn. Một số thì  mua gà mua vịt để nuôi" - anh Xuất chia sẻ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 290.000 ha rừng sản xuất mà phần lớn là rừng keo. Từ đầu năm đến nay, sản lượng gỗ khai thác chủ yếu là gỗ keo đạt trên 210.000 m3, tăng trên 2% so với cùng kỳ năm trước. Việc người dân ồ ạt bán keo non đang làm cho tỷ lệ che phủ rừng giảm mạnh.

Ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: "Hiện nay, giá một ha keo khoảng 4,5 năm khi người ta bán thì cũng 70 - 80 triệu đồng. Chu kỳ bình thường là 5 năm nhưng nay chưa đủ 5 năm là người ta khai thác do giá lên cao nên không bền vững.

Cũng có thông tin cho rằng, cần hạn chế khai thác rừng non nhưng lại không có chỗ nào quy định như thế. Khi mà đất nhà nước đã giao cho người dân thì người dân tự chủ trong vấn đề sản xuất, tự chủ thời gian bán. Người ta quyết định bán cho ai, bán lúc nào thì quyết còn chúng tôi chỉ có khuyến cáo chứ không tác động được".

Việc khai thác keo chưa đủ tuổi kéo theo nhiều hệ lụy. Đó là năng suất rừng trồng giảm sút, chất lượng gỗ thấp, lợi nhuận thực tế không cao. Về lâu dài, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ những thiệt hại khi bán keo non. Đồng thời vận động người dân trồng keo xen kẽ với trồng rừng gỗ lớn để vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa góp phần phát triển nghề rừng theo hướng hiệu quả, bền vững./.