Ông Đỗ Văn Thiết, Phó trưởng Phòng Công thương huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) – nơi có 27 cửa hàng kinh doanh xăng dầu thì đã có 26 cửa hàng đang trong tình trạng đóng cửa, cho biết hiện chính quyền địa phương đã bất lực trước thực tế này.

Công tác kiểm tra, xử lý những cửa hàng có hành vi găm hàng chờ tăng giá là điều hết sức khó khăn. Bởi theo ông Thiết, Nghị định 107 về hành vi chế tài trong việc đầu cơ găm hàng rất chung chung, trong khi các cửa hàng kinh doanh xăng dầu lại đưa ra nhiều lý do không thuyết phục nhưng theo Nghị định này lại là lý do chính đáng.

Ông Đỗ Văn Thiết cho biết: "Khi vào kiểm tra thì họ không nói là găm hàng, mà chỉ nói là họ đang nghỉ trưa, con ốm, con đau họ phải đi viện, hoặc là người làm thuê đi về Bắc chưa vào… Tất cả hành vi này được xem là lý do chính đáng nếu căn cứ theo Nghị định 107. Thế nhưng, những lý do đó chẳng có cơ sở nào được xem là lý do chính đáng cả”.

cayxang.jpg

Cây xăng đóng cửa, bán xăng lẻ tự phát mọc lên (Ảnh:tuoitre)

Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Cảnh, Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cho rằng, công tác thanh, kiểm tra các cửa hàng xăng dầu trong tỉnh vẫn đang được Chi cục Quản lý thị trường Lâm Đồng tích cực triển khai. Kết quả bước đầu đã ghi nhận có nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, nhưng vẫn chưa xác định rõ có hay không hành vi cố tình găm hàng để chờ tăng giá.

Theo ông Huỳnh Ngọc Cảnh, việc kiểm tra, xử lý đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, ngưng hoạt động trên địa bàn đang gặp rất nhiều hạn chế và lúng túng.

Ông Huỳnh Ngọc Cảnh nêu ví dụ: "Chủ cửa hàng đóng cửa và đi đâu đó thì làm sao mình bẻ khóa, kiểm tra, đo bồn của người ta được, hoặc người ta nói đi về quê ăn giỗ, ăn Tết… nên khóa cửa đi hết". Theo ông Cảnh, Cục Quản lý thị trường phải có một chỉ đạo về xử lý hành vi các cây xăng kinh doanh xăng dầu đóng cửa trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay thì sẽ tốt hơn, vì hiện nay việc xử lý rất khó.

Tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 200 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên hơn một nửa trong số đó hiện vẫn đóng cửa, khiến người tiêu dùng tại địa phương rơi vào cảnh điêu đứng và bức xúc, nhất là bà con nông dân đang cần một lượng lớn xăng dầu để phục vụ tưới cà phê cho kịp thời vụ./.