Cơ hội xuất khẩu!
Thị trường EU với hơn 500 triệu người tiêu dùng, EU là nhà nhập khẩu và xuất khẩu lớn nhất thế giới, có trữ lượng FDI lớn nhất thế giới, chiếm trên 20% tổng GDP toàn cầu trong năm 2010. Trong vòng thập kỷ qua, EU đã trở thành một trọng tâm, đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong thương mại, đầu tư và cả mặt chính trị.
Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 40- 50% so với cùng kỳ năm 2010, mặc dù kinh tế nhiều nước thành viên EU chưa hồi phục hoàn toàn. Trong 6 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đạt 7,4 tỉ USD, chiếm 17,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 49,1% so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu chủ yếu là hàng dệt may, da giày...
Theo Phòng thương mại châu Âu (EUCham), nếu FTA được ký kết thì cả xuất và nhập khẩu của Việt Nam và EU đều có lợi. Việt Nam và EU sẽ nhanh chóng có cam kết mở cửa thị trường, xóa bỏ nhiều dòng thuế nhập khẩu, mở cửa dịch vụ, các vấn đề về hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá… đem lại những lợi thế lớn cho Việt Nam so với các đối thủ khác trên thị trường. Đồng thời việc ký kết này sẽ giúp cho vị trí của Việt Nam được cải thiện nhiều trên thế giới mà điều thể hiện đầu tiên là Việt Nam đang có cán cân thương mại lợi hơn so với EU.
Việc giảm thuế nhập khẩu theo FTA sẽ tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tăng xuất khẩu vào thị trường EU, đặc biệt là những mặt hàng đang bị sức ép cạnh tranh từ các nước khác như Trung Quốc, quốc gia chưa có FTA với EU.
Ông Nguyễn Hữu Phải - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Bắc Giang cho biết, với các Hiệp định thương mại được ký kết, ngành dệt may được hưởng lợi rất nhiều. Ví dụ, Hiệp định giữa Việt Nam và Hàn Quốc ký năm 2006, đến năm 2010 kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc tăng gấp 3,68 lần. Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản ký năm 2008, đến năm 2010 tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu tăng 1,75 lần. Hàng dệt may của chúng tôi vào EU rất nhiều, song hiện thuế quan EU áp cho ngành dệt may và da giày rất cao bình quân 20%”.
"Nếu Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU được ký sẽ mang lợi cho hai phía, 27 nước EU được dùng hàng của chúng tôi với giá rẻ. Còn người lao động Việt Nam có thêm công ăn việc làm, chúng tôi được nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến giá rẻ của EU. Chúng tôi mong muốn Hiệp định sớm được ký kết. Tuy nhiên, EU nên xem xét các quy định về nguồn gốc xuất xứ. Có những mặt hàng chúng tôi phải nhập khẩu từ nước thứ ba như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ nên cho chúng tôi hưởng thuế suất bằng 0%. EU là thị trường khó tính, nếu đòi hỏi doanh nghiệp Vịêt Nam phải đạt các tiêu chuẩn kĩ thuật của EU ngay là rất khó. Đề nghị đoàn đàm phán đi chậm, từng bước thì các doanh nghiệp Việt Nam mới thực hiện được" - ông Phải bày tỏ.
Đảm bảo nguyên tắc "win - win"
Tham gia FTA, xét về lợi ích chiến lược lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp EU đang hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng hoá ở Việt Nam cơ bản là cùng có lợi.
Ông Juan – Jose Almagro Herrador - Cố vấn Kinh tế và chính trị, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho hay, khi Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết, EU sẽ hạ thấp thuế quan, Việt Nam sẽ tăng cuờng xuất khẩu vào EU, đặc biệt là những lĩnh vực chủ chốt như dệt may, thủy sản, da giày. EU sẽ xuất khẩu các dịch vụ chất lượng cao sang Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam sẽ nâng cao được sức cạnh tranh về dài hạn. EU sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam (cải thiện môi trường kinh doanh và pháp lý).
Phía Việt Nam cũng sẽ phải giảm thuế suất và có lợi thế sẽ nhập khẩu các công nghệ và nguyên liệu chất lượng cao từ châu Âu với giá rẻ hơn. Đồng thời được nhập khẩu các dịch vụ chất luợng cao của EU dường như có thể giúp nền kinh tế địa phương tăng khả năng cạnh tranh trong dài hạn; giúp tăng đầu tư của EU vào Việt Nam; tăng sự đa dạng hóa trong đối tác thuơng mại tại Việt Nam. Nhờ đó, Việt Nam có thể đạt đuợc vị thế tốt hơn trên thị truờng EU. Đơn cử, mức thuế hiện hành của da giầy là 7,69% (nếu có FTA, mức thuế sẽ là 0%) ; May mặc, mức thuế hiện hành 9,6% (nếu có FTA, mức thuế sẽ là 0%).
GS Claudio Dordi – Chuyên gia MUTRAP III khuyến nghị, Việt Nam cần sẵn sàng nhượng bộ một số lĩnh vực để đổi lấy cam kết cắt giảm thuế quan trong lĩnh vực chủ chốt. Qua FTA với Việt Nam, EU cũng kỳ vọng vào việc đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam; thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam hướng mục tiêu tới ASEAN và các quốc gia châu Á khác; tạo thêm cơ hội tiếp cận thị trường tạo cho các nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ của EU; đảm bảo việc tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy các mục tiêu chính sách phi kinh tế…
Còn bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Ban Pháp chế - Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI) lưu ý: Phạm vi của Hiệp định FTA về thương mại hàng hóa là xóa bỏ nghĩa vụ thuế quan và các quy định thương mại khác. Các vấn đề sẽ được đưa ra đàm phán như: Trong thương mại hàng hóa, các thuế quan và các hạn chế về mặt định lượng sẽ được xóa bỏ (có thể sẽ áp dụng cho ít nhất 90 đến 95% của các dòng thuế); Các quy định về nguồn gốc (ROO); Nâng cao các nghĩa vụ về sự minh bạch, sự công nhận lẫn nhau; hài hòa hóa quy định; đối thoại về quy định và hỗ trợ kỹ thuật. Theo đó, EU sẽ yêu cầu các quy định mạnh mẽ hơn để thúc đẩy đầu tư và bảo vệ các nhà đầu tư. Mô tả của WTO về sự cạnh tranh, mua sắm chính phủ (Việt Nam không là thành viên của GPA), quyền sở hữu trí tuệ và thuận lợi thương mại; các tiêu chuẩn về lao động và môi trường… tất cả các quy định này rất khó khăn và khắt khe làm sao để đảm bảo lợi ích của nền kinh tế thương mại trong nước và của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời hạn chế thấp nhất các rủi ro cho các doanh nghiệp yếu thế trong nước. Thêm nữa, Việt Nam là nước đang phát triển, tất cả các tiêu chuẩn đều chưa thể đạt như các nước EU, do đó, Hiệp định FTA chỉ thành công khi EU thấu hiểu điều kiện của Việt Nam và mềm dẻo, thiện chí trong quá trình đàm phán.
Ông Lê Quang Lân – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, một Hiệp định thương mại thành công phải đảm bảo "win - win" - hai bên cùng có lợi; nâng tầm quan hệ kinh tế chính trị giữa Việt Nam và EU, bổ sung cho nhau về cấu trúc kinh tế Việt Nam – EU; đồng thời giúp Việt Nam thu hút đầu tư trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, hài hoá hoá quan hệ kinh tế thương mại./.