Sau nhiều tháng đồn đoán kéo dài của giới truyền thông, cuối cùng ngày 17/12/2015, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đã công bố tăng lãi suất cơ bản lên 0,25% - mức tăng đầu tiên kể từ năm 2006. Theo đó, lãi suất cho vay liên ngân hàng nằm trong khoảng từ 0,25% - 0,5%, đây là con số rất khiêm tốn, nhưng theo giới quan sát thì nhiều khả năng sẽ gây hiệu ứng toàn cầu.

Những yếu tố cần và đủ

Cái gì đến cũng đã đến. Các yếu tố cần và đủ để FED tăng lãi suất đã hiện hữu: Một là, Thị trường lao động Mỹ hiện đã đạt được mức tăng 211.000 việc làm trong tháng 11, trong khi tỉ lệ thất nghiệp vẫn được kiềm chế ở mức 5%, thấp nhất trong bảy năm rưỡi qua. Đây là chỉ tiêu đầu tiên để FED quyết định xem có hay không thắt chặt chính sách tiền tệ.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ những ngành đạt tăng trưởng việc làm gồm có: xây dựng, dịch vụ chuyên nghiệp và y tế. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 7,9 triệu người Mỹ thất nghiệp và 6,1 triệu người chỉ có việc làm nửa thời gian. Mức lương trung bình tăng 2,3 % trong năm qua.

Hai là, tình hình lạm phát. Từ đầu năm đến nay, chỉ số lạm phát chính của Mỹ chỉ tăng 0,5% do chịu tác động tiêu cực từ sự sụt giảm của giá năng lượng và thực phẩm, trong khi giá đồng USD tăng lên, khiến giá các mặt hàng nhập khẩu trở nên “dễ chịu” hơn.

lai_suat_usd_behz.jpg
Giới chuyên gia có quan điểm khác nhau về tác động của việc tăng lãi suất USD lên thị trường tài chính toàn cầu. (Ảnh minh họa: Internet)

Chỉ số lạm phát ở Mỹ cũng đã tăng 2% trong năm nay, mức tăng lớn nhất của chỉ số này kể từ tháng 5/2014. Theo các chuyên gia, đây là chỉ số được FED xem như “kim chỉ nam” trong quyết định nâng lãi suất tại cuộc họp vừa qua (16-17/12), bất chấp đà lao dốc của giá xăng dầu trên thị trường xuống mức thấp kỷ lục 35 USD/thùng.

Paul Ashworth, chuyên gia kinh tế thuộc Capital Economics (chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn) nói, ông hy vọng lạm phát tăng cao đã “tiếp sức” cho FED nâng lãi suất từ mức thấp kỷ lục gần 0% lên 0,25% - 0,50%

Ba là, Tốc độ chi tiêu của người dân Mỹ thông qua chỉ số CPI. Theo Chủ tịch FED, bà Janet Yellen, thì tổ chức này tin rằng nền kinh tế Mỹ “tiếp tục được củng cố” nhưng vẫn có “chỗ để cải thiện”.

Theo FED, con số người tiêu dùng vay trong tháng 10 vừa qua đã tăng thêm 16 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, với 3.500 tỷ USD, nhưng vẫn còn thua con số 28,5 tỷ USD hồi tháng 9/2015. Số tiền cho vay vừa qua chủ yếu là với người mua ôtô và sinh viên. Điều này cho thấy ngày càng có nhiều người Mỹ có nhu cầu vay mượn để nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng dự báo chi tiêu cho tiêu dùng của Mỹ sẽ tăng khá trong những tháng tới nhờ sự cải thiện của thị trường việc làm, qua đó thúc đẩy doanh số bán ôtô và nhà ở trong hầu hết các tháng tiếp theo.

Shane Oliver, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư, kinh tế gia trưởng của Quỹ đầu tư AMP ở Sydney, nói: “Việc tăng lãi suất cho thấy sự tự tin vào nền kinh tế Mỹ trong quá trình hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính”.

Bốn là, Tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III năm nay chỉ đạt mức 2,1%, thấp hơn so với mức tăng trước đó là 3,9%. Tuy nhiên, FED cũng dự báo kinh tế Mỹ trong quý IV/2015 sẽ chỉ tăng trưởng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong lúc công ty dự báo tư nhân Macroeconomic Advisers ước tính mức tăng trong quý này sẽ vào khoảng 1,7%.

Sự đánh giá khác nhau về tác động

Các chuyên gia kinh tế đã có những phân tích về tác động của quyết định nâng lãi suất mà FED vừa đưa ra trong ngày 17/12 đối với người Mỹ, châu Âu và toàn cầu.

Theo giới chuyên gia, sẽ phải mất thêm một thời gian nữa để xem quyết định của FED có hiệu lực đối với nền kinh tế như thế nào. Tuy nhiên, trong tương lai gần, các chuyên gia dự đoán, người tiêu dùng Mỹ sẽ cảm nhận được tác động này một cách rõ nét hơn.

Lãi suất tăng tác động đến tất cả các khoản vay kể cả tài khoản tiết kiệm. Vì thế, FED tuyên bố sẽ tăng lãi suất từ từ nhỏ giọt, do họ tính toán cho rằng chỉ cần tăng lãi suất 1% thì tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ cũng sẽ bị giảm 0,15% của năm sau và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường việc làm.

Theo các chuyên gia, nhìn chung cùng chia sẻ quan điểm là do mức tăng chỉ 0,25% nên ảnh hưởng đợt tăng lãi suất này sẽ chưa thể rõ rệt. Tuy nhiên, quyết định của FED sớm hay muộn cũng sẽ chứng kiến sự thay đổi trên thị trường tài chính thế giới.

Ngay sau khi FED công bố tăng lãi suất, thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt tăng mạnh. Mức tăng hơn 2% của chỉ số chung khu vực EuroStoxx600 là đáng chú ý, mức tăng phản ánh rõ sự kỳ vọng, ngóng chờ của nhà đầu tư vào quyết định của FED sau nhiều tháng cân nhắc thận trọng.

Lãi suất tăng, khiến đồng USD có xu hướng mạnh lên, USD sẽ là đồng tiền tăng mạnh nhất so với tất cả các loại tiền tệ khác; Dầu, vàng đã từng là “bản vị” của USD cũng sẽ đắt hơn, trong khi các hàng hóa khác đều giảm đi tương đối. Cổ phiếu Mỹ tăng giá sau quyết định của FED và đồng USD tăng 0,2% so với euro (1 USD đổi 0,9172 euro)

Cổ phiếu châu Á tăng (17/12) với chỉ số S&P/ASX 200 ở Sydney tăng 1,69% trong phiên giao dịch buổi sáng; Chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) cũng tăng 2,15% lên 19.460,20. Đồng USD cũng mạnh lên so với đồng yen Nhật, (1USD/122,38 yen); chỉ số Kospi (Hàn Quốc tăng 0,25% lên 1.974,1 điểm).

Thị trường Trung Quốc cũng tăng trưởng tích cực với Chỉ số Hang Seng của (Hong Kong) đã tăng 0,83% lên 21.881,97 và chỉ số Shanghai Composite tăng 0,95% lên 3.549,66. Ngân hàng trung ương Philippines, Indonesia cũng có phản ứng trước quyết định của FED, tuy giới phân tích cho rằng sẽ không có biến động gì lớn ở các nước này.

Tuy nhiên, ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Bernie Sanders nói: tăng lãi suất sẽ tác động xấu tới người lao động Mỹ bởi quan ngại rằng nền kinh tế nước này quá yếu để đứng vững trước quyết định tăng lãi suất của FED.

Tác động trực tiếp lên các “con nợ” là rất lớn. Do tăng lãi suất, khiến giá đồng USD tăng lên, điều này cũng có nghĩa là chi phí đi vay cao hơn đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, trong đó có nhiều nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, nhất là các “con nợ” vay bằng đồng USD.

“Kỷ nguyên” thắt chặt tiền tệ vẫn chưa kết thúc

Giới phân tích cho rằng, quyết định của FED là mâu thuẫn với chính sách ở châu Âu, nơi mà điều khoản vay dễ dàng hơn đang được áp dụng. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi đầu tháng 12/2015 mới cắt lãi suất tiền gửi từ âm -0,2% xuống -0,3% và mở rộng chương trình kích thích kinh tế (QE) với 60 tỷ euro. Ngân hàng Trung ương Anh trong tháng 12/2015 cũng đã bỏ phiếu giữ lãi suất ở mức 0,5%, và khẳng định sẽ kéo dài cho tới tháng 12/2016.

Giới phân tích cho rằng, giai đoạn khủng hoảng tài chính với hàng loạt các Ngân hàng Trung ương đưa lãi suất về gần 0, được gọi là “kỷ nguyên tiền dễ” tức chính sách “nới lỏng tiện tệ” trong một thời gian dài với sự ưu đãi cho vay, chưa bao giờ dài hơn. Vì thế, động thái của FED vừa qua cho thấy kỷ nguyên lãi suất thấp vẫn chưa thể chấm dứt.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) trong cuộc họp đầu tuần đã tuyên bố, lãi suất vẫn thấp một thời gian dài nữa, kể cả khi FED có tăng. Ông Mark Carney nếu vẫn muốn dựa vào mốc lạm phát 2% là cơ sở duy nhất để điều hành tiền tệ, thì có lẽ còn lâu người ta mới thấy lãi suất ở Anh tăng, vì từ đầu năm đến nay lạm phát còn chưa quá 0,1%. Thậm chí, trên thị trường Anh, nhà đầu tư dự đoán phải đến tháng 2/2017 BOE mới tăng lãi suất.

Còn ECB và BOJ càng không ai dự đoán được họ sẽ tăng vào khi nào. JP Morgan Chase dự đoán thậm chí nhiều Ngân hàng Trung ương sẽ vẫn giảm lãi suất, trong đó có Trung Quốc.

Số lượng các nền kinh tế đang phát triển “neo tỷ giá” với đồng USD đã giảm, đồng nghĩa với việc các nước này sẽ không phải theo chân FED. Với triển vọng tăng trưởng toàn cầu hiện nay, tăng lãi suất đồng loạt là điều khó có thể xảy ra.

Như vậy, việc tăng lãi suất với mức khiêm tốn của FED không ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Tuy nhiên, hệ lụy của động thái này cũng được nhìn nhận với nhiều khía cạnh khác nhau, tích cực, tiêu cực đan xen. Tuy nhiên, hiệu ứng toàn cầu của đồng USD tăng giá vẫn còn đang ở phía trước./.