Ngày 17/12, tại các ngân hàng thương mại ở Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ giá đôla Mỹ đều tăng ở mức kịch trần, giá niêm yết tại các ngân hàng là 22.547 đồng/USD.

Còn tại thị trường tự do, giá USD đến chiều 17/12 là 22.785 đồng/USD, tăng so với ngày hôm qua từ 25 đến 30 đồng/USD, chênh lệch so với tỷ giá ngân hàng gần 150 đồng/USD.

Với việc Fed tăng lãi suất lần này, nhiều doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cho rằng họ có lợi trong việc xuất khẩu, tuy nhiên việc nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do máy, móc, thiết bị và nguyên phụ liệu tăng giá. Tổng Công ty Thái Sơn, mỗi tháng nhập khẩu từ 2 - 3 triệu USD hạt nhựa, để sản xuất các sản phẩm nhựa. Việc điều chỉnh này làm cho chi phí nhập nguyên liệu của công ty tăng từ 150 đến 200 triệu đồng mỗi tháng.

Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Thái Sơn cho biết, với việc thay đổi tỷ giá này gây áp lực lên doanh thu và giá thành. Trong thời điểm này, việc đàm phán giá một số nhà cung cấp nguyên liệu cũng tăng giá lên khi giá đồng USD tăng lên.

usd_vnd_hohi.jpg
Chú thích ảnh

Theo ông Sơn, thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước phải làm như thế nào đưa đồng đô dự trữ ra để cân bằng thị trường, đồng đô không tăng giá nữa.

Sau khi Fed tăng lãi suất đồng USD, nhiều doanh nghiệp đang ngóng chờ chính sách điều hành tiền tệ và tỷ giá USD của Ngân hàng Nhà nước. Điều này sẽ tác động đến kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế Bùi Chí Hiếu nói: “Đây điều này mà mọi người rất quan tâm nếu với áp lực lớn như vậy thì sẽ xử lý như thế nào. Ngân hàng Nhà nước cam kết từ nay đến đầu năm không tăng tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước đang kiên trì với mục tiêu đó nhưng là vấn đề là mình chịu áp lực đó như thế nào và chi phí bao nhiêu. Chí phí là mình luôn bán ngoại tệ ra can thiệp thị trường. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước còn bao nhiêu ngoại tệ nữa để can thiệp thị trường”.

Một số người cũng lo lắng, khi lãi suất USD tăng thì sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Các nhà đầu tư sẽ rút dần vốn này quay về thị trường Mỹ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, điều này không đáng lo ngại.

Ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn một thành viên HSBC (Việt Nam) cho rằng, Việt Nam không phải là điểm hấp dẫn vốn đầu tư gián tiếp. Cho nên dòng vốn này chảy ra không nhiều, và khả năng dòng vốn đầu tư chảy ra mạnh trong thời gian tới là không có.

Theo ông Hải, cần tạo sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam bằng việc đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh có vốn hóa lớn thu hút vốn đầu tư gián tiếp.

Việc Fed tăng lãi suất USD cũng là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam phải luôn trong thế chủ động để thích ứng với những biến động của thị trường thế giới. Đây cũng là thách thức của doanh nghiệp khi tham gia vào sân chơi lớn./.