Ngày 20/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Ngụ ý chính sách và đổi mới thể chế.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU khi có hiệu lực sẽ tác động tích cực đối với kinh tế Việt Nam. Về mặt định lượng, vào năm 2025, GDP Việt Nam có thể tăng từ 7-8%, xuất khẩu tăng 93%...

elv_czxb.jpg
Hội thảo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Ngụ ý chính sách và đổi mới thể chế.
Giống như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), những cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU vượt ra khỏi phạm vi của việc loại bỏ thuế quan và tạo thuận lợi cho thương mại. Những cam kết đằng sau biên giới bao gồm cách thức quản lý nhà nước ban hành pháp luật, mối quan hệ giữa nhà đầu tư và nhà nước, vấn đề cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, quan hệ lao động...

Ông Trần Toàn Thắng, Phó Trưởng Ban, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, khi thực hiện hiệp định sẽ phải có một số thiết chế nhất định để thành lập hoặc sẽ phải thay đổi một số văn bản để cho thống nhất giữa các điều ước quốc tế với văn bản Việt Nam.

“Nói cách khác đó là quá trình nội luật hóa. Đấy là tác động trực tiếp. Còn tác động gián tiếp ở đây là nếu như không cải thiện thể chế thì sẽ không đạt được lợi ích tối đa từ hiệp định đó mang lại cũng như không khắc phục được những điểm tác động tiêu cực từ hiệp định”, ông Thắng cho biết.

Đánh giá về sự sẵn sàng của Việt Nam tham gia Hiệp định này, nghiên cứu cho thấy, có tới 82% doanh nghiệp biết tới sự tồn tại của Hiệp định nhưng hầu hết lại chưa có sự hiểu biết sâu sắc về hiệp định.

Đáng lo ngại là tới 63% doanh nghiệp đã không có bất kỳ hành động nào, dù nhỏ, để chuẩn bị cho Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU nói riêng và trong các hiệp định thương mại tự do tương lai nói chung. Tỷ lệ các doanh nghiệp có giao dịch với EU là rất cao nhưng lại chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ chiếm từ 1-2%.

Ông Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, doanh nghiệp càng ngày càng sẵn sàng với hội nhập, nhưng so với yêu cầu hội nhập và với những hiệp định thương mại tự do Việt Nam vẫn còn có một khoảng cách, còn phải cố gắng hơn rất nhiều.

“Không phải chỉ nhà nước tạo ra thể chế tốt là đủ, doanh nghiệp phải thực hiện được tất cả những điều đó, đồng hành với nhà nước và tự mình vươn lên thích ứng với nhu cầu của thị trường. Doanh nghiệp phải thay đổi tất cả những gì hiện chưa thích ứng được kể cả đổi mới sản phẩm, đổi mới mẫu mã, hạ giá sản phẩm, nâng cao chất lượng… bởi tiêu chuẩn của EU là rất cao”, ông Lưu Bích Hồ nhận định.

Tại hội thảo, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần có điều chỉnh cải cách thể và chính sách trên nhiều lĩnh vực về môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh; cải cách các doanh nghiệp nhà nước… Chính phủ cần xây dựng một chiến lược quốc gia về cải cách thể chế và điều chỉnh chính sách, chiến lược sẽ xác định cơ cấu tổ chức và chính sách để đảm bảo chất lượng thể chế.

Ngoài ra, Chính phủ cần có sự điều chỉnh về thể chế và chính sách nhằm xác định nhóm dễ tổn thương của việc thực hiện hiệp định thương mại này và có cơ chế cần thiết để hỗ trợ cho những nhóm này./.