Trong năm 2013, cả nước ta chỉ tiêu thụ khoảng 110.000 xe ô tô các loại kể cả nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp trong nước, bằng với mức của 6 năm trước đây. Trong suốt 1 năm làm ăn khó khăn, cộng với triển vọng thị trường thấp và chính sách chưa rõ ràng, các doanh nghiệp kinh doanh và lắp ráp ô tô không ít lần đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Dù thị trường xe ô tô trong nước ế ẩm, nhưng xe hạng sang lại lên ngôi |
Năm 2013 chứng kiến sự ra mắt liên tục của các mẫu xe mới cả lắp ráp trong nước và nhập khẩu. Theo thống kê, có gần 30 mẫu xe mới ra mắt từ tháng 3-12/2013, phủ kín các phân khúc, từ bình dân đến hạng sang, từ xe cỡ nhỏ đến xe cỡ lớn.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch nhập khẩu ô tô năm 2013 ước đạt gần 34.500 chiếc với giá trị 79 triệu USD. So với năm 2012, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc năm 2013 đã tăng 25,9% về lượng và 15,2% về giá trị.
Tuy vậy, nhu cầu tiêu thụ ô tô của người dân trong năm qua lại không mấy khả quan. Mặc dù giảm giá và tung ra nhiều mẫu xe mới nhưng tiêu thụ vẫn không tăng mạnh, đặc biệt với xe lắp ráp trong nước, khiến cho nhiều DN gặp khó khăn. Điều các DN lo ngại là vào những tháng cuối năm, nhu cầu xe cá nhân thường tăng cao thì thực tế, mức tiêu thụ lại giảm. Theo số liệu của VAMA (Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam), doanh số bán xe con trong tháng 10/2013 giảm 1% so với tháng 9 và sang tháng 11 lại tiếp tục giảm 1% so với tháng 10.
Khó khăn đặc biệt đang thuộc về các đại lý bán xe, bởi phải giảm giá bán nhằm thu hút khách hàng, khiến cho lợi nhuận không còn. Nhiều đại lý ô tô tại Hà Nội cho biết tồn kho của họ lên tới hàng chục xe do nhận định thị trường ô tô sẽ khởi sắc vào cuối năm, nhu cầu tăng, cộng với muốn có doanh số lớn để được nhà cung cấp thưởng nên các đại lý đặt hàng nhiều hơn, nhưng việc tiêu thụ lại không như mong muốn.
Các DN ô tô trong nước cũng gặp khá nhiều thách thức. Hiện công suất thiết kế của các DN sản xuất ô tô cả nước vào khoảng 458.000 xe/năm, trong khi sản lượng thực tế mới đạt quanh 80.000 xe/năm, tức là mới chỉ đạt chưa tới 20%. Theo các nhận định thì ngành lắp ráp ô tô trong nước có khả năng chỉ đạt tăng trưởng 3% trong các năm tiếp theo, do phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh ngày càng khốc liệt với dòng xe nhập khẩu do thuế suất thuế nhập khẩu ngày càng giảm.
Năm 2012, khi Việt Nam giảm thuế cho ô tô bán tải có xuất sứ từ khối ASEAN xuống còn 15%, tất cả các nhà lắp ráp dòng xe này trong nước đã dừng hoạt động trong thời gian dài và chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Trong khi thị trường lắp ráp ô tô trong nước gặp khá nhiều khó khăn, thị trường xe nhập khẩu hạng sang lại chứng kiến sự khởi sắc. Theo ước tính, thị trường xe sang Việt Nam năm 2013 vẫn giữ mức tăng trưởng bình quân trên 30% với khoảng 4.000 chiếc được tiêu thụ. Hiện tại, Mercedes-Benz Việt Nam là hãng có mức tăng trưởng lớn nhất trên 50%. Các hãng khác như BMW cũng có doanh số bán hàng tăng 20%, ước tính sẽ bán khoảng 1.000 xe trong năm 2014. Tuy thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Thái Lan, Indonesia cộng với việc kinh tế khó khăn trong năm 2013, nhưng ở Việt Nam vẫn có nhiều người sẵn sàng chi hàng tỷ đồng để mua các loại xe sang.
Việc Chính phủ cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc dường như đang ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ của nước ta. Trước tình tế này, nhiều DN ô tô trong nước lo ngại khả năng sẽ phải đóng cửa, chuyển sang làm nhập khẩu và phân phối nếu Chính phủ không có một chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp ô tô đúng hướng./.