Ngày 14/5, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lào Cai bắt đầu cấp thí điểm quyền sử dụng nhãn hiệu “Chuối Lào Cai” cho các nông dân ở “thủ phủ” chuối Bản Lầu (Mường Khương) của tỉnh, mang về cơ hội mới cho người trồng chuối của Bản Lầu nói riêng và của toàn tỉnh Lào Cai nói chung.
Sản phẩm Chuối Lào Cai chính thức được bảo hộ nhãn hiệu |
Cây chuối thương phẩm được phát triển tại Lào Cai cách đây gần 20 năm. Hiện, toàn tỉnh có trên 2.000 hecta chuối, sản lượng 60.000 tấn/năm, chủ yếu là giống chuối tiêu hồng trồng theo phương pháp cấy mô, tập trung tại các huyện Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai. Riêng tại “thủ phủ” chuối Bản Lầu (Mường Khương) có trên 700 hecta.
Từ nhiều năm nay, cây chuối đã trở thành loại cây xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân địa phương. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thu chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc nên giá cả bấp bênh, sản xuất không ổn định, có thời điểm được giá ồ ạt trồng tự phát, có thời điểm không bán được lại đem chặt bỏ.
Xác định được lợi thế về sản lượng, chất lượng chuối quả của địa phương, đồng thời nhằm giúp bà con tìm hướng đi đúng đắn trong sản xuất, tiêu thụ, Sở Khoa học Công nghệ đã tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Trao quyền sử dụng nhãn hiệu Chuối Lào Cai cho nông dân thủ phủ chuối Bản Lầu |
Sau 2 năm thực hiện, nhãn hiệu “Chuối Lào Cai” đã được hình thành, áp dụng cho các nhóm sản phẩm: quả chuối tươi; chuối sấy, mứt chuối và tinh dầu chuối. Từ đây, mở ra cơ hội cho bà con trong xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, khẳng định chất lượng, ổn định đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.
Bà Phạm Thị Hồng Loan, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai cho biết, trên cơ sở được công nhận nhãn hiệu, nếu thực hiện đúng lộ trình tiêu chuẩn trong sản xuất, riêng giá trị chênh lệch mặt hàng chuối quả tươi của bà con trồng hiện nay có thể lên tới 60 tỷ đồng mỗi năm so với khi chưa có nhãn hiệu.
Sản phẩm “Chuối Lào Cai” được cấp văn bằng bảo hộ đã đưa tổng số sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tại Lào Cai lên 213. Trước đó, nhiều sản phẩm như mận Bắc Hà, su su Sa Pa, quýt Mường Khương, bưởi Múc…sau khi được công nhận nhãn hiệu đã khẳng định được vị thế trên thị trường, mang lại thu nhập hiệu quả cho bà con nông dân địa phương./.