Theo Trung tâm quản lý cửa khẩu Tân Thanh – Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn, từ 12/3/2014, dưa hấu tại các tỉnh phía Nam vào vụ thu hoạch và được đưa ồ ạt lên cửa khẩu để xuất khẩu sang Trung Quốc.

xe-cho-dua.jpg

Hiện mỗi ngày có khoảng 500 xe – 700 xe dưa, trong khi tiêu thụ chỉ được trên 200 xe dưa/ ngày. Năng lực thông quan của cửa khẩu Tân Thanh cũng chỉ đạt khoảng 300 – 350 xe hàng hóa các loại mỗi ngày. Trung Quốc chủ yếu nhận dưa qua cửa khẩu Tân Thanh.

Đến ngày 27/3/2014, còn khoảng 1.600 xe hàng hóa các loại, trong đó chủ yếu là dưa hấu nằm chờ thông quan tại khu vực cửa khẩu.

Trung tâm quản lý cửa khẩu Tân Thanh – Cốc Nam cho rằng, nguyên nhân căn bản dẫn đến ùn tắc chủ yếu do lượng dưa hấu đưa lên cửa khẩu tăng đột xuất, khiến thông quan không kịp. Dưa tăng đột xuất cũng đã ảnh hưởng đến thông quan của các hàng hóa, nông sản khác.

Trong khi đó, mùa thu hoạch dưa hấu tại các tỉnh phía Nam tới khoảng giữa tháng 4 hàng năm thì kết thúc. Từ nay đến hết vụ còn khoảng mười ngày nữa. Dự báo khả năng dưa hấu đưa lên cửa khẩu Tân Thanh có thể không còn cao điểm như những ngày qua, song chưa thể hết ngay được.

Vụ Thương mại biên giới và Miền núi (Bộ Công thương) vừa có chuyến công tác tại Lạng Sơn cho biết, giá bán dưa loại 1 ngày 12/3 khoảng 2,8 Nhân dân tệ đến 3,0 Nhân dân tệ/ kg, đến ngày 25/3 giảm còn khoảng 2,2 Nhân dân tệ đến 2,4 Nhân dân tệ/ kg.

Trước tình hình trên, Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi đã có công điện khẩn của Ban chỉ đạo thương mại Biên giới gửi UBND tỉnh Lạng Sơn và Sở Công Thương các tỉnh có vùng trồng dưa hấu thông báo tình hình và đề nghị có biện pháp điều tiết hàng hóa lên cửa khẩu, nhằm giảm bớt sự ùn tắc. Đồng thời, cũng đã có công hàm gửi Thương vụ Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đề nghị bạn trao đổi với chính quyền địa phương bên Trung Quốc phối hợp với bên Việt Nam giải quyết việc ùn tắc, tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan, giao dịch hàng hóa.

Được biết, UBND tỉnh Lạng Sơn đã trao đổi với phía bạn đề nghị tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thông quan, giao dịch. Từ ngày 17/3 đã thống nhất thực hiện thời gian thông quan từ 7h00 đến 21h00 hàng ngày. Tỉnh cũng cử đoàn công tác liên ngành do Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu làm đầu mối sang Trung Quốc vào ngày 28/3/2014 để bàn với bạn việc tăng thêm diện tích bãi giao dịch hàng hóa và cho thông quan dưa hấu qua các cửa khẩu khác ngoài cửa khẩu Tân Thanh.

Tỉnh Lạng Sơn giao lực lượng cảnh sát phân luồng xe hàng hóa lên cửa khẩu. Hàng hóa khác được phân luồng đi lên cửa khẩu Cốc Nam. Dưa hấu được phân luồng đi lên cửa khẩu Tân Thanh. Các xe hàng hóa được thu xếp đỗ gọn gàng, trật tự.Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu được huy động làm việc tối đa để đẩy nhanh thông quan hàng hóa. Các bến bãi được sử dụng hết công suất. Năng lực bốc xếp cũng được huy động tối đa. Công tác cấp C/O mẫu E được tiến hành không ngừng nghỉ. Từ ngày 11/3 đến 25/3 đã cấp gần 2.300 bộ C/O các loại, trong đó có khoảng 1.900 bộ cấp cho dưa hấu, với tổng trọng lượng hàng hóa đạt 95.000 tấn.

Tuy vậy, vấn đề cốt lõi, theo Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi là các địa phương có vùng trồng cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với việc tiêu thụ dưa hấu cho nông dân và thương nhân. Cần nắm diện tích, sản lượng, thương nhân kinh doanh, phối hợp cung cấp thông tin từ cửa khẩu và khuyến cáo, cảnh báo, điều tiết lượng hàng đưa lên cửa khẩu để tránh ùn tắc, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ trong nước.

Với mặt hàng dưa hấu, các địa phương cần nghiên cứu tổng thể về quy hoạch trồng trọt, sản lượng, chất lượng, bảo quản, chính sách phát triển và quản lý, lưu thông phân phối, thương nhân xuất khẩu, thương nhân nhập khẩu, thị trường tiêu thụ... để về lâu dài có thể chủ động và hiệu quả trong xuất khẩu và tiêu thụ, hạn chế việc kinh doanh tự phát, dễ gây ùn tắc tại cửa khẩu và thiệt hại về kinh tế như hiện nay. 

Bên cạnh đó, các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng dưa hấu cần chủ động điều tiết kế hoạch giao hàng và kế hoạch vận chuyển hàng lên các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, tránh tình trạng tranh mua tranh bán, kéo theo sự thiệt hại về chất lượng hàng hóa cũng như bị đối tác ép giá./.