Trong phiên thảo luận tại tổ của các Đại biểu Quốc hội về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư 14.259 tỷ đồng, của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, đại biểu Nguyễn Văn Tiền (đoàn Tiền Giang) cho rằng, việc Chính phủ đã tiết kiệm được trên 14.000 tỷ đồng là đáng quý, nhưng các đại biểu đang nghĩ đến việc các dự án bị cắt giảm về quy mô.
“Đáng lẽ ra dự án mở rộng Quốc lộ 1A có chiều rộng 40 mét nhưng nay cắt giảm còn khoảng 40 mét; lẽ ra trên tuyến có khoảng 10 cây cầu vượt nhưng nay cắt giảm còn 5 cầu vượt nên tổng mức đầu tư mới giảm mạnh, còn nếu chỉ do đơn giá thì sẽ không có mức giảm mạnh như vậy”, đại biểu Nguyễn Văn Tiền nói.
Nói về việc sử dụng nguồn vốn còn dư này, đại biểu cho rằng, một số dự án thuộc hành lang có liên quan nhiều đến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên nên cần thiết đầu tư là hợp lý, nhưng với những dự án không có liên quan gì thì rất cần thiết phải được xem lại.
“Nếu Chính phủ đã trót chi tiền cho các dự án khác, nay lấy tiền này để bù vào và giải trình thì không hợp lý lắm! Do đó cần quan tâm dùng nguồn vốn này để đầu tư đối với những dự án có liên quan đến đường Hồ Chí Minh, đồng thời sử dụng nguồn vốn này đúng những nơi đang thực sự khó khăn về giao thông”, đại biểu Tiền chỉ rõ.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên dư vốn trái phiếu Chính phủ 14.259 tỷ đồng. (Ảnh: KT) |
Tuy nhiên, nếu số vốn dư ít sẽ là bình thường, nhưng nguồn vốn dư quá lớn sẽ khiến các đại biểu có quyền đặt câu hỏi về khâu thiết kế cũng như lập tổng dự toán không sát. Do đó, vấn đề đặt ra là có nhất thiết dành toàn bộ nguồn vốn dư này cho Bộ GTVT hay không, bởi vốn trái phiếu chính phủ là dành cho từng dự án cụ thể nên cần xem xét giữa các dự án của Bộ GTVT với các dự án của các bộ khác.
Đại biểu Quang cũng dẫn chứng một số ý kiến cho rằng, đối với các dự án chính, nằm trong danh mục được phê duyệt đã hoàn thành, trong bối cảnh nợ công lớn như hiện nay có cần phải vay vốn làm tiếp hay không. Hay là có cần thiết đầu tư những dự án hoàn thiện trong lúc này, khi không ảnh hưởng đến năng lực của các dự án chính là Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, bởi hiện nay Bộ GTVT không phải không có những dự án thực sự cần thiết.
Không đồng tình với nguồn vốn dư quá lớn sau khi hoàn thành dự án, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đặt dấu hỏi: “Tại sao lại có chuyện dự toán là như thế mà lại không tiêu hết tiền? Tôi nghĩ là việc khảo sát đánh giá trong thời gian lập dự toán mở rộng đường Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là khảo sát chưa đầy đủ, từ đó đã dẫn đến việc dự toán không chính xác do đó mới dẫn đến việc thừa nguồn vốn”.
Đại biểu Chu Sơn Hà còn cho rằng, việc thừa vốn đầu tư dẫn đến lãng phí nguồn vốn, đáng lẽ ra nếu không dự toán vào công trình này, nguồn vốn sẽ được đầu tư vào các công trình khác, phát triển có hiệu quả hơn, trong khi trải qua một thời gian dài, nguồn vốn này đã không phát huy được tác dụng.
Bình luận về đề nghị của Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn còn dư này, đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, đây là vấn đề cần phải xem xét lại bởi thực tế số tiền dư lớn nhưng dự án làm chưa đầy đủ.
Đại biểu lấy dẫn chứng, đoạn quốc lộ 1A qua Quảng Nam theo thiết kế 4 làn xe nhưng thực tế chỉ có 2 làn xe. Quy mô thiết kế như vậy mà thi công bó hẹp lại. Nếu chủ đầu tư cho rằng dự án đã hoàn thiện là chưa hợp lý, sử dụng vốn tiết kiệm nhưng dự án làm không đầy đủ. Đại biểu kiến nghị các bên cần kiểm tra cả tuyến quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã đảm bảo đúng thiết kế chưa, rồi hãy bàn đến việc sử dụng số dư trên.
Bộ GTVT nói gì về nguồn vốn dư 14.259 tỷ đồng?
Cũng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, (đoàn Thanh Hóa) đã phân tích, làm rõ việc dư vốn dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, khi Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua các dự án nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên mới phê duyệt 25/30 dự án. Các dự án này từ khi lập dự án đến khi phê duyệt có chênh lệch 4.000 tỉ đồng.
Trước đây, khi nâng cấp đường sá mạnh ai nấy làm nên chiều rộng mặt đường khác nhau, chẳng hạn như đoạn qua Ninh Binh rộng 60 mét, nhiều nơi qua thành phố, thị xã là 25-35 mét. Tuy nhiên khi làm dự án này, Bộ GTVT thống nhất toàn tuyến là 20,5 mét, không có chuyện “xin - cho” độ rộng mặt đường chỗ này chỗ kia. Các dự toán đã được thẩm định của Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng và đều theo quy trình chặt chẽ đúng quy định.
“Dự án giảm 10.000 tỉ đồng do tiết kiệm 5% chi phí theo chỉ đạo của Chính phủ; giảm 686 tỉ đồng do giải phóng mặt bằng nhanh; giảm 6.200 tỉ đồng do giảm thời gian thi công nên không sử dụng chi phí dự phòng. Các cầu cũ sau khi kiểm tra chỉ gia công thêm, nên giảm chi phí cho các hạng mục. Mấu chốt đem lại thành công của dự án chính là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Không có dự án nào mà Chính phủ phân công 3 Phó Thủ tướng phụ trách lo 3 khâu: Giải phóng mặt bằng, nguồn vốn và tiến độ chất lượng công trình như tại chính dự án này”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói./.