Các công ty trên thế giới cho đến nay đều không thể quên được cuộc khủng hoảng tín dụng xảy ra năm 2009. Tại thời điểm đó, thậm chí cả các công ty giàu có nhất cũng phải gặp khó khăn khi đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn.

Do vậy, các công ty đã bỏ ra khá nhiều công sức để xây dựng lại bảng cân đối kế toán với lượng lớn tiền mặt. Bảng xếp hạng dưới đây của Công ty U.S. Trust cho thấy dự trữ tiền mặt của hãng công nghệ lớn nhất thế giới Apple lớn hơn rất nhiều công ty và quốc gia trên thế giới.

capture5.jpg
Các công ty, quốc gia có vốn dự trữ thấp hơn Apple (Ảnh: U.S. Trust)

Theo chuyên gia tài chính Joseph Quinlan từ U.S. Trust, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, có một điều chắc chắn rằng các tập đoàn lớn của Mỹ dự trữ một lượng lớn vốn có thể huy động ngay. Trên thực tế, các công ty phi tài chính lớn nhất của Mỹ đều khá dư giả nguồn vốn huy động. Hãng đánh giá tín nhiệm The Moody cho biết, lượng tiền mặt của các công ty Mỹ trong năm ngoái ở mức 1.600 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước đó. Con số này cũng là mức gấp đôi so với năm 2008, cho thấy các công ty Mỹ đã chú trọng hơn rất nhiều vào việc xây dựng hệ thống vốn trong thời kỳ hậu khủng hoảng.

Theo số liệu tính toán, số tiền dự trữ của các công ty lớn của Mỹ lớn hơn tổng vốn dự trữ ngoại hối của Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới với 1.200 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Số lượng vốn dự trữ của các công ty này chỉ đứng sau Trung Quốc, quốc gia có vốn dự trữ ngoại hối lên tới gần 4.000 tỷ USD.

Theo số liệu từ Moody, vốn dự trữ của các hãng công nghệ lớn nhất thế giới là Apple, Microsoft, Google, Verizon Communications và Pfizer cộng lại lên tới 404 tỷ USD vào cuối năm ngoái, tăng 16,4% so với năm trước đó. Con số này cao hơn nhiều quốc gia giàu có nhất châu Á, trong đó có Hàn Quốc với dự trữ ngoại hối 336 tỷ USD, Hồng Kông (Trung Quốc) với 311 tỷ USD, Singapore với 270 tỷ USD và Ấn Độ với 268 tỷ USD.

Vốn dự trữ của 5 tập đoàn lớn này không chỉ hơn phần lớn các quốc gia châu Á mà còn vượt qua cả mức tiền mặt dự trữ của khu vực đồng tiền chung châu Âu với 221 tỷ USD./.