Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội xin chủ trương dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là dự án lớn, là công trình trọng điểm quốc gia phải xin ý kiến Quốc hội. Đến thời điểm này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về chủ trương xây dựng, qui mô dự án…
Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội trả lời báo chí về dự án này.
PV: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ông đánh giá thế nào về dự án này?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Đây là dự án cần thiết chứ không phải là cấp thiết. Chúng ta còn cần rà soát lại các vấn đề với sân bay Tân Sơn nhất, khả năng với sân bay Cần Thơ, Cam Ranh và tổng thể quy hoạch phát triển giao thông vận tải Việt Nam để tính toán ngành hàng không chiếm tỷ trọng vận tải hành khách, hàng hóa như thế nào, tính ra mức độ đầu tư lĩnh vực nào là xương sống cho vận tải hành khách quốc tế.
Đối với dự án sân bay Long Thành, trước hết chúng ta phải làm theo luật, tức là ta đã có Nghị quyết của Quốc hội về các công trình trọng điểm quốc gia, có Luật Đầu tư công có hiệu lực từ 1/1/2015.
PV: Vấn đề là luật chưa nói đến vốn mà ở đây mới chỉ là quyết định chủ trương đầu tư?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Ủy ban Kinh tế đánh giá đây là dự án không cấp bách nhưng cần thiết. Đất nước phải có sân bay tầm cỡ với vị thế của đất nước trong khu vực. Hiện chưa có được sân bay tương đương với vị thế của đất nước. Nhiệm kỳ này và sau đều phải làm. Chủ trương xây dựng Sân bay Long Thành được đặt ra từ những năm 1997, 1998. Vấn đề ở đây bàn là triển khai thực hiện sân bay Long Thành ở thời điểm nào, phương án nào cho hiệu quả nhất với đồng vốn ngân sách.
PV: Các phương án mà Chính phủ trình Quốc hội theo ông đã thực sự thuyết phục?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Yêu cầu giải thích thêm vô cùng nhiều. Đầu tiên là việc rà soát quy hoạch tổng thể ngành GTVT. Đơn cử như việc phân luồng hành khách Cam Ranh lên sân bay quốc tế thì tác động đến luồng hành khách ra sao. Cam Ranh là sân bay quốc tế nhưng vẫn đang thuê chuyến, nếu thành thường xuyên của các hãng hàng không thì như vậy chia sẻ hành khách với Tân Sơn Nhất là bao nhiêu. Phú Quốc đưa lên thành quốc tế thì chia sẻ dòng khách của Tân Sơn Nhất như thế nào.
PV: Nghĩa là câu chuyện về vốn vẫn chưa có đáp án cuối cùng, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Vốn cũng là một vấn đề được đề cập nhiều nhưng chưa cấp bách. Theo quy định thì vấn đề vốn chưa được đặt ra ở giai đoạn này. Nếu với phân tích chỉ số kinh tế hợp lý thì ta có nhiều biện pháp để huy động cho việc xây dựng sân bay đó. Ví dụ, có thể nhường lại cho các thành phần kinh tế khác đầu tư. Giờ mới đang quyết định chủ trương đầu tư.
PV: Vốn cho giao thông đã lên tới hàng trăm nghìn tỷ, nếu tiếp tục đầu tư cho sân bay Long Thành và các dự án khác liệu có quá tải cho ngân sách và áp lực lên nợ công, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Tổng đầu tư toàn xã hội giảm xuống nhưng tăng trưởng tăng lên thì ICOR có tăng lên: đầu tư toàn xã hội giảm xuống còn 30%, chỉ số tăng GDP đạt mức 5,8%. Nếu nhìn kỹ vào cơ cấu đóng góp tăng thì các khu vực ngoài quốc doanh là FDI và một bộ phận của DNNN đã cải tạo được một bước chất lượng hoạt động làm cho hiệu quả đầu tư tăng lên. Đây là tín hiệu đáng mừng sau 3 năm thực hiện nghị quyết TW3 khóa 9. Nhưng cũng phải thấy chỉ số ICOR của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn đang là cao.
PV: Thưa ông, Đại biểu lo ngại ngân sách đầu tư phát triển rất thấp từ 6 – 7% GDP giảm xuống còn 4% vào năm ngoái. Theo ông, cần giải pháp gì để tăng đầu tư phát triển?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Đúng là đầu tư của Nhà nước thấp nhưng vấn đề Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh lo lắng ở đây là cơ chế chính sách đã đồng bộ để đẩy các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư hay chưa. Đây là vấn đề đặt ra cần trao đổi thêm.
Việc giảm đầu tư phát triển là do ta chủ động thực hiện cương lĩnh 2011 các thành phần kinh tế bình đẳng, Nhà nước đang đầu tư chủ yếu thì lùi lại cho các thành phần kinh tế khác phát triển. Nếu vẫn có nhu cầu đầu tư khác thì chúng ta có biện pháp khác như phát hành trái phiếu chính phủ, chấp nhận bội chi cao hơn để dầu tư… Như vậy, ta phải có động thái hài hòa, lùi ra nhưng không lùi ngay tránh sốc cho xã hội.
PV: Xin cảm ơn ông!/.