Gần 8 năm qua, người dân ở thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình rơi vào tình cảnh khó khăn vì Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch triển khai dang dở. Người dân cũng lo ngại khi Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm môi trường nơi họ đang sống.

Thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch nằm dưới chân đèo Ngang, giáp biển Hòn La. Năm 2010, chính quyền địa phương ra thông báo sẽ thu hồi hơn 200 ha đất nông nghiệp và đất ở của 78 hộ dân để làm dự án Nhiệt điện Quảng Trạch.

Chủ trương di dân tới nơi tái định cư nhằm tránh tác động ô nhiễm môi trường khi nhà máy đi vào hoạt động. Tuy nhiên, gần 8 năm qua, phương án di dời 78 hộ dân này vẫn chưa hoàn thành.

vov_qt1_wljh.jpg
Một góc thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông dưới chân đèo Ngang.
Chị Nguyễn Thị Hương, ở thôn Vĩnh Sơn cho rằng, nếu không di dời mà vẫn xây dựng Nhà máy Nhiệt điện, người dân sẽ phải hứng chịu cảnh ô nhiễm môi trường.  

“Đất nông nghiệp được thông báo thu hồi nhưng ruộng vườn để bỏ hoang 8 năm nay vẫn chưa được giải tỏa. Người dân có nguyện vọng được giải tỏa và đền bù để chuyển đi nơi khác”, chị Hương cho biết.

Thời gian gần đây, khi chủ đầu tư dự án triển khai san lấp mặt bằng để thi công nhà máy, hàng chục hộ dân đã kéo ra ngăn cản. Người dân lập hàng rào, chặn xe và mong muốn được đối thoại rõ ràng với những người có trách nhiệm.

Ông Võ Lục, ở thôn Vĩnh Sơn cho biết, khi nào giải tỏa hết toàn bộ đất đai, nhà cửa, mồ mả ông bà ra khỏi địa bàn Nhà máy mới được thi công. Lúc đó người dân sẽ chấp hành, không vướng mắc và không cản trở bất kỳ thứ gì.

Theo ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, các hộ dân phản đối việc thi công đều sống ngoài khu vực quy hoạch làm nhà máy. Nguyện vọng của bà con mong được đền bù để đến nơi ở mới, bởi ở lại bên cạnh tường rào Nhà máy sẽ phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm.

“Sẽ có khoảng 400 hộ dân nằm ngoài khu vực quy hoạch nhà máy Nhiệt điện. Nếu kết quả đánh giá tác động môi trường cho thấy, việc xây dựng nhà máy ở đó dẫn đến môi trường sống không đảm bảo, khi đó mới bàn đến chuyện đề xuất để di dời”, ông Hiền cho biết.

Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch ban đầu do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Đến đầu năm 2017, dự án này chuyển giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Dự án được đánh giá là tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu các ngành sớm có đánh giá tác động môi trường dự án Nhiệt điện Quảng Trạch để thông tin rộng rãi cho người dân biết.

“Riêng vấn đề môi trường, đề nghị UBND tỉnh tích cực đôn đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường để hoàn thành việc đánh giá tác động môi trường. Sau khi có kết quả đánh giá tác động môi trường, tỉnh mới có căn cứ, cơ sở làm công tác vận động, tuyên truyền và công bố rộng rãi cho nhân dân”, ông Quanh nêu rõ.

Dự án Nhà máy Nhiệt Điện Quảng Trạch là dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Bình. Việc công bố di dời giải toả và vùng quy hoạch không rõ ràng, Báo cáo Đánh giá tác động môi trường không công khai minh bạch khiến hàng trăm hộ dân lo lắng hoang mang./.