Trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 9/2013 của Bộ Công Thương, liên quan đến việc quy hoạch Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Lê Dương Quang cho biết, ngày 23/9 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao cho Bộ Công Thương rà soát đưa ra khỏi quy hoạch hai dự án này. Hiện Bộ Công Thương đang tiến hành và sớm báo cáo.
Rà soát đánh giá tất cả các dự án điện
Theo Thứ trưởng Lê Dương Quang, trong thời gian qua, Bộ Công Thương vẫn thường xuyên định kì cập nhật, rà soát, bổ sung, hiệu chỉnh tất cả các dự án điện trong đó có dự án thủy điện.
Riêng các dự án thủy điện, Bộ Công Thương cho biết đã cơ bản hoàn thành xong việc rà soát các dự án trên cả nước và trình dự thảo báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, khi được Thủ tướng Chính phủ thông qua sẽ ủy quyền Bộ trưởng báo cáo trước Quốc hội.
“Tuy nhiên trong quá trình quản lý và theo dõi vận hành, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục rà soát, nếu có dự án không đảm bảo yêu cầu theo 5 tiêu chí: An toàn; Diện tích chiếm dụng rừng, đất rừng thấp nhất; Hạn chế tối đa di dân tái định cư; Không ảnh hưởng xấu đến môi trường và hiệu quả sẽ tiếp tục được điều chỉnh”, Thứ trưởng Quang cho biết.
Liên quan đến các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ do chủ đầu tư để nhà thầu tự thu xếp vốn, Thứ trưởng Lê Dương Quang giải thích, do hiện nay cơ chế giá điện vẫn có một phần nhà nước bao cấp cho nên giá điện không khuyến khích thu hút các nhà đầu tư các dự án về điện.
“Các dự án được Chính phủ giao cho các tập đoàn về nguyên tắc các chủ đầu tư phải thu xếp vốn. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn hiện nay của các tập đoàn (EVN, PVN, Vinacomin) nên việc thu xếp vốn rất khó khăn vì theo quy định phải có vốn đối ứng, tình hình tài chính lành mạnh, nợ trên vốn… nên khi đấu thầu lựa chọn nhà thầu thường có tiêu chuẩn nhà thầu cam kết thu xếp vốn nên đây cũng được xem như là một giải pháp xử lý vấn đề vốn”, Thứ trưởng Quang thừa nhận.
Tuy nhiên, ông Lê Dương Quang cho rằng, qua theo dõi, các nhà thầu là các tập đoàn lớn của nước ngoài đều có khả năng thu xếp vốn là điều kiện tốt và hoàn toàn không phải nguyên nhân nhà thầu do thu xếp vốn mà chậm tiến độ các dự án nhiệt điện.
“Việc xây dựng nhà máy điện chậm tiến độ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoài vốn như giải phóng mặt bằng, thỏa thuận về giá điện… Ngoài ra, khi thực hiện Tổng sơ đồ điện VII, dự báo nhu cầu điện khác, nhưng thực tế qua những năm vừa qua, nhu cầu điện cũng khác đi nên quy hoạch, quy mô các nhà máy điện sẽ phải điều chỉnh tiến độ không hẳn lý do về vốn”, Thứ trưởng Lê Dương Quang cho biết.
Vẫn còn cơ hội cho Tập đoàn Tân Tạo
Liên quan đến Dự án Trung tâm Điện lực Kiên Lương (Kiên Giang) chậm triển khai làm ảnh hưởng đến Tổng sơ đồ điện VI cũng như tác động đến khả năng đảm bảo nhu cầu sử dụng điện của toàn miền Nam, Thứ trưởng Lê Dương Quang cho biết, Bộ Công Thương đã làm việc nhiều lần với chủ đầu tư là Tập đoàn Tân Tạo (ITA) nhưng đến nay, quan điểm của chủ đầu tư chưa hoàn toàn rõ ràng.
“Lúc đầu chủ đầu tư đề nghị đầu tư dự án theo hình thức BOO (xây dựng, sở hữu, vận hành) đồng thời kiến nghị một loạt cơ chế chính sách như phải có bảo lãnh của Chính phủ, vốn vay phải có cam kết cân đối ngoại tệ, áp dụng luật nước ngoài…hoàn toàn không có trong quy định của pháp luật và chưa có tiền lệ. Nay nhà đầu tư lại thay đổi hình thức BOT (xây dựng, vận hành, chuyển giao) kèm theo nhiều điều kiện đảm bảo khác do vậy dự án chưa được thông qua”, Thứ trưởng Lê Dương Quang cho hay.
Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã có công văn kiến nghị Bộ Công Thương đề nghị xem xét xử lý dứt điểm đối với dự án Trung tâm Điện lực Kiên Lương do Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Tạo (ITACO) thuộc Tập đoàn Tân Tạo (ITA) làm chủ đầu tư.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, từ 3 năm nay, dự án Trung tâm Điện lực Kiên Lương tạm dừng thi công, chủ đầu tư để đất trống khiến người dân địa phương bức xúc do thấy đất bị thu hồi mà dự án không được triển khai xây dựng. Một số hộ dân đã tự ý lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp khiến chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý.
Theo quan điểm của Thứ trưởng Lê Dương Quang, hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang dành cơ hội cho nhà đầu tư đưa ra ý kiến cuối cùng. Tuy nhiên, trong trường hợp dự án không thể triển khai được, Bộ Công Thương sẽ xem xét để giao cho nhà đầu tư khác nhưng vẫn trên tinh thần đối xử công bằng với các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Lê Dương Quang cũng thông tin về việc đấu thầu Dự án Nhiệt điện Long Phú đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lựa chọn chỉ định nhà thầu trên cơ sở thực hiện đúng các quy định của luật đấu thầu và đang được thực hiện./.