“Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” là nội dung buổi tọa đàm do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 6/6 tại Hà Nội.

Các ý kiến đưa ra tại buổi tọa đàm thống nhất cho rằng: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất của tỉnh Đồng Tháp. Tổ chức sản xuất nông nghiệp phải trên cơ sở cơ cấu lại lao động, áp dụng khoa học công nghệ, gắn sản xuất với việc phát huy vai trò của kinh tế hợp tác, liên kết đa dạng.

Mục tiêu chung của Đề án là tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng Tháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững dựa trên đổi mới quan hệ sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyên môn hóa, tạo việc làm ổn định, chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng thôn mới.

tcc.jpg
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trên cơ sở đánh giá hiện trạng, phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, Đồng Tháp xác định 5 ngành nông, thủy sản chủ lực là lúa gạo, cá tra, vịt, xoài, hoa cây cảnh và việc tái cơ cấu, phân bổ lại lao động là nội dung trọng tâm để thực hiện thành công Đề án.

Theo đó, Đồng Tháp sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó tập trung vào việc quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất, mặt nước cho phát triển sản xuất, chế biến nông, thủy sản và tăng quy mô sử dụng hiệu quả đầu tư công.

“Đồng Tháp xác định đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong khả năng tiềm lực của địa phương. Tỉnh cũng đã có kiến nghị với Chính phủ cho phép tỉnh thí điểm hỗ trợ doanh nghiệp được chi từ nguồn ngân sách địa phương và hỗ trợ các hợp tác xã. Tỉnh sẽ đứng phía sau và tạo ra vùng nguyên liệu, tạo niềm tin cho người sản xuất đối với doanh nghiệp từ đó ổn định sản xuất kinh doanh và đảm bảo cuộc sống cho bà con nông dân”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, để thực hiện thành công mục tiêu trên, Đồng Tháp cần xác định rõ quan điểm về ưu thế sản xuất nông nghiệp, lấy tái cơ cấu ngành nông nghiệp làm trọng tâm tái cơ cấu kinh tế chung của tỉnh; Phối hợp hài hòa giữa các động lực của thị trường và vai trò kiến tạo của Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của sản xuất kinh doanh nông nghiệp, thể hiện bằng giá trị, lợi nhuận; đồng thời chú trọng đáp ứng các yêu cầu về xã hội.

Đặc biệt, Đồng Tháp cần chuyển đổi đáng kể lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp, có việc làm, thu nhập ổn định, có kỹ năng tốt và vị thế xã hội xứng đáng.

“Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một đòi hỏi hết sức bức bách và khách quan, Hội nghị Trung ương 8 đã có kết luận số 74 đưa ra chủ trương về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tốc độ tăng trưởng bền vững và đổi mới mô hình nông thôn mới của nước ta. Thực hiện chủ trương đó, Chính phủ đã có Quyết định số 899 ngày 10/6/2013 tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và phát triển bền vững”, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.

Theo nội dung của Đề án, Đồng Tháp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng nông nghiệp 4,5%/năm giai đoạn 2011 - 2015, và 5% giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, 50% số xã cơ bản đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, giảm tỉ lệ nghèo nông thôn 2%/năm./.