Cuối tháng 5 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ chính thức quyết định ngưng hoạt động nhà máy bột giấy Phương Nam có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, công suất 100.000 tấn bột giấy/năm mà nguyên liệu chủ yếu là cây đay. Điều này đồng nghĩa với việc tỉnh Long An buộc phải cho nông dân huyện Thạnh Hóa, nơi đặt nhà máy và cũng là nơi tỉnh đã quy hoạch vùng đay nguyên liệu đến 10.000 hecta, ngưng trồng đay. Đất trồng đay đã được trồng lúa trở lại, nhưng nông dân ở đây rất tiếc vì phải bỏ đi một loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

dsc_000407119558_rahx.jpg 

 Người nông dân buộc phải ngưng trồng đay (Ảnh: Longan.gov)

Quyết định ngừng hoạt động nhà máy bột giấy Phương Nam thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam, đặt lại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An không có gì bất ngờ, đột ngột, nhưng đã chấm dứt niềm hy vọng của nông  dân ở đây về một đầu ra ổn định cho cây đay. Hơn 10 năm qua, từ khi nhà máy được xây dựng rồi chạy thử, chỉ hai lần nông dân Thạnh Hóa được nhà máy thu mua một phần đay theo hợp đồng. Thế nhưng, ai cũng cố nắm níu lấy việc trồng đay để duy trì một cây trồng truyền thống của vùng và cũng là để chờ đến lúc bao nhiêu đay làm ra cũng bán được cho nhà máy. Vụ Đông xuân vừa rồi, ngành nông nghiệp Long An đã chính thức yêu cầu nông dân vùng nguyên liệu đay chuyển sang trồng lúa trở lại, nhưng xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa vẫn còn một số nông dân trồng 2 hecta đay.

Ông Nguyễn Văn Khen là một trong những nông dân đó, với 1 hecta đay: “Tôi có 3 mẫu, trong đó làm lại 2 mẫu lúa để đề phòng, mẫu còn lại trồng đay. Trồng đay xong rồi qua vụ sau trồng lúa rất tốt vì đất đai màu mỡ hơn. Bà con ở đây đều muốn trồng đay nhưng giờ bấp bênh quá, chúng tôi cũng không biết tính sao.”.

Nông dân buồn, thất vọng khi việc trồng đay nguyên liệu không còn, mất cơ hội nâng cao thu nhập bằng việc đa dạng hóa cây trồng.

Ông Trần Văn Vũ, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạnh Phước nói: “Tỉnh mấy năm trước cũng có quy hoạch, nạo vét một số kênh mương tập trung cho vùng đay. Giờ không thể tiếp tục trồng đay thì phải chủ động sang trồng lúa. Do khai thông thủy lợi nên vụ lúa vừa rồi cũng đạt năng suất cao, nhưng so với cây đay thì vẫn không thu nhập cao bằng.”.

Đất trồng đay có thể chuyển ngay sang trồng lúa mà không cần phải cải tạo gì, hạ tầng vùng đay cũng đã được tỉnh Long An đầu tư khá quy mô, đảm bảo cho phát triển cây lúa hay bất cứ loại cây trồng nào khác. Cụ thể là vụ Đông xuân, nông dân vùng đay chuyển sang trồng lúa đạt năng suất từ 8 - 10 tấn/hecta.

Ông Huỳnh Kim Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa khẳng định: “Vùng đay quy hoạch là 10.000 hecta, nhưng hiện nay đay không tiêu thụ được thì vùng này vẫn hưởng lợi về điều kiện sản xuất rất lớn, bao gồm gần 40 hệ thống công trình, thủy lợi kết hợp với đê bao và giao thông nông thôn, cải tạo đất.”.

Song trước thực trạng tiêu thụ lúa và một số nông sản khác khó khăn, bấp bênh như vừa qua, người nông dân vẫn muốn trồng đay. Trước khi có nhà máy bột giấy, nông dân Thạnh Hóa từng trồng đay rồi kéo sợi bán. Bẵng đi một thời gian, đay sợi tiêu thụ chậm không rõ nguyên nhân. Giờ ai cũng mong những doanh nghiệp đã từng thu mua đay sợi trước kia trở lại, để ruộng đay lại xanh tốt, để trên bến dưới thuyền lại tấp nập mua bán hàng trăm tấn sợi đay. Thấu hiểu mong muốn này, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An vẫn chủ trương duy trì vùng trồng đay Thạnh Hóa với khoảng 1.000 hecta và chỉ đạo ngành chức năng tìm đầu ra cho đay sợi.

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An cho biết: “Khi cây đay không có thị trường như hiện nay thì người dân vẫn canh tác lúa bình thường, không có gì ảnh hưởng hết. Chúng tôi khuyến khích bà con chỉ canh tác một ít đay để phục vụ thủ công mỹ nghệ và bán cho các doanh nghiệp có nhu cầu, trồng trên dưới 1.000 hecta thôi thì mới có thị trường.”.

Hiện nay, lãnh đạo tỉnh Long An và bà con nông dân mong muốn có một doanh nghiệp nào đó sẽ mua lại nhà máy Phương Nam để sản xuất giấy bằng cây đay, cây tràm hay cây trồng nào đó phù hợp với vùng đất này. Nếu được như vậy, nông dân có thể không trồng lúa mà trồng cây khác hiệu quả hơn, có thể làm giàu trên mảnh đất của mình./.