Tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2012, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải phá sản, ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng. Nhưng trong hoàn cảnh đó vẫn có những doanh nghiệp trụ vững và tiếp tục phát triển.

Tăng doanh nghiệp giải thể, giảm tăng trưởng kinh tế

Năm 2012, trong tổng số hơn 670.000 doanh nghiệp được thành lập trên cả nước thì có đến gần 202.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, bằng 50% tổng số doanh nghiệp rời thị trường trong vòng 20 năm qua. So với năm 2011, số doanh nghiệp giải thể tăng 8,4%, số doanh nghiệp thành lập giảm 12,2%, đã làm giảm tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp có khả năng phân tích vĩ mô và dự báo được tổng lượng cầu của ngành hàng mình đang kinh doanh nên đã chủ động thích ứng bằng hàng loạt điều chỉnh phù hợp để tự cứu mình.

1doanhnghep.jpg
Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn vươn lên gặt hái thành công

Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần xích líp Đông Anh, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng phụ trợ cho ngành sản xuất ô tô và xe máy, ông Nguyễn Xuân Thanh, cho biết: Ngay trong quý I/2012, các đơn hàng đột ngột suy giảm, hàng tồn kho tăng cao khiến nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động, công nhân nghỉ việc. Công ty đã tổ chức lại hoạt động bằng cách giảm 40% kế hoạch sản xuất, nhập vật tư theo lộ trình, đồng thời tổ chức đào tạo cán bộ, phát huy phong trào sáng kiến, tiết kiệm trong toàn công ty. Đến nay hoạt động sản xuất của công ty được duy trì đều đặn, tạo thu nhập ổn định cho 1700 cán bộ công nhân viên.

Ông Nguyễn Xuân Thanh cho biết: “Điều quan trọng là bản thân mỗi doanh nghiệp phải cứu mình trước tiên. Sau 10 tháng, những vấn đề bất cập trong sản xuất đã được chúng tôi phát hiện và từng bước cải tiến. Thứ 2, công tác tiết kiệm sản xuất 1 tháng cũng được vài chục triệu, nó không nhiều nhưng cũng hỗ trợ một phần nào công tác sáng kiến. 10 tháng đầu năm, doanh nghiệp của chúng tôi có 45 sáng kiến, tiết kiệm được 1,4 tỷ đồng. Đây là hỗ trợ chi phí không nhỏ đối với việc đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, được sự giúp đỡ, hỗ trợ sau đầu tư của các sở ban ngành và 2013 chúng tôi tiếp tục làm dự án để xin hỗ trợ”.

Với Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long cũng vậy, tự thân vận động chính là liều thuốc giúp công ty phục hồi và duy trì sản xuất. Ông Phạm Hữu Hùng, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cho biết, khó khăn không phải nhỏ khi công ty phải giải quyết lượng hàng tồn kho đến 50%, đồng thời vay vốn với lãi suất cao để đầu tư máy móc, duy trì sản xuất. Vì vậy, ngoài việc xây dựng lại kế hoạch sản xuất, công ty đã lên kế hoạch tìm hiểu thị trường và phối hợp chặt chẽ với đại lý để phân phối sản phẩm. Nhờ đó đã giảm tỷ lệ hàng tồn kho xuống dưới 10%, tăng năng suất, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.

Đến thời điểm này, ông Phạm Hữu Hùng khẳng định: “Chúng tôi đã ổn định và vượt qua được khó khăn. Năm 2013, chúng tôi vẫn phải tiếp tục đổi mới trang thiết bị công nghệ do đó rất cần các nguồn vốn hỗ trợ để thực hiện dự án. Mong muốn tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn để thực hiện dự án. Ngoài ra khi chúng tôi thực hiện các dự án thành công thì cũng mong chính sách của chính phủ cũng duy trì và hỗ trợ những dự án đã được thực hiện và đạt hiệu quả như năm 2012 chính phủ đã thực hiện”.

Doanh nghiệp phải chủ động cứu mình

Có thể thấy, thực hiện tốt phương châm “Tự cứu mình” là động lực quan trọng giúp doanh nghiệp vươn lên phát triển. Tuy nhiên trong bối cảnh có đến 80% số doanh nghiệp hoạt động dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng, thì giải quyết vốn cho sản xuất kinh doanh là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp vượt khó trong năm 2013.

Theo đánh giá của TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, năm qua chỉ có 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn từ ngân hàng. Phần còn lại là thiếu vốn hoạt động dẫn đến sản xuất đình đốn, rồi nợ xấu và nợ quá hạn gia tăng, mà nguyên nhân là do thiếu sự phối hợp kịp thời giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện chính sách.

Ông Kiêm nhấn mạnh: “Phải làm thế nào để ngân hàng cơ cấu lại thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghệp. Bản thân doanh nghiệp cũng phải làm thế nào đáp ứng được nhu cầu. Hai bên phải đàm phán và thương lượng với nhau về cơ cấu lại một số điều kiện để tiến tới giải quyết được thủ tục này thì doanh nghiệp mới tiếp cận được nguồn vốn và ngân hàng mới đưa vốn ra”.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, để tăng sức cạnh tranh, năm 2013 ngoài việc tự nỗ lực thì doanh nghiệp rất cần sự nhất quán và minh bạch từ chính sách. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng năm 2012, nhiều chính sách giải cứu vẫn chưa đủ mạnh khiến niềm tin của doanh nghiệp vào nền kinh tế giảm sút. Do đó năm 2013, việc hỗ trợ doanh nghiệp cần cụ thể với từng nhóm ngành nghề.

“Vấn đề hiện nay là chúng ta phải nhóm lại các doanh nghiệp, những doanh nghiệp có vấn đề giống nhau cũng như khu vực, lĩnh vực mà chúng ta cần ưu tiên phát triển. Chẳng hạn, trong những ngành dịch vụ tài chính hay dịch vụ bất động sản có lẽ không phải là ưu tiên phát triển, trong khi đó những ngành về chế biến nông sản với định hướng nào thì sẽ tham gia vào các chương trình đó. Đó là cách hiện nay cần đưa ra để tiếp cận việc hỗ trợ cho doanh nghiệp”- bà Hằng phân tích.

Năm 2013, Chính phủ tập trung tháo gỡ các nút thắt của nền kinh tế như tăng sức mua của thị trường, tiếp tục thực hiện gia hạn, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải quyết nợ xấu và hàng tồn kho. Các chuyên gia nhận định với chủ trương đúng đắn, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, cùng sự chủ động của chính doanh nghiệp thì nền kinh tế sẽ từng bước phục hồi./.