Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dẫn số liệu thống kê 9 tháng năm 2012 có khoảng 40.200 doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, con số này tiếp tục tăng lên 46.500 doanh nghiệp theo số liệu thống kê của tháng 11/2012.

Theo Ủy ban này, tình hình kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn rất khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trong tháng 11 đang tiếp tục tăng so với 9 tháng năm 2012 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cho đến thời điểm gần cuối năm 2012, doanh nghiệp Việt Nam ở đại đa số các ngành nghề vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức trên mọi phương diện, đặc biệt là ở 2 khâu chủ yếu là “đầu vào” và “đầu ra” của sản phẩm. Ngoài những khó khăn đã biết ở khâu tiêu thụ sản phẩm chậm dẫn đến lượng hàng tồn kho cao, các doanh nghiệp hiện nay cũng đang chịu những khó khăn rất lớn do phải chi phí sản xuất đang tăng rất cao.

Cụ thể: Chi phí nguyên vật liệu nhiều ngành tăng đột biến: như ngành sản xuất bao bì, giấy tăng 50%, ngành dệt may tăng 30-45%, ngành xây dựng tăng 25%. Mặt khác, trong năm 2012, giá xăng dầu đã tăng ròng 2.300 đồng/lít, đây là mặt hàng nhiên liệu quan trọng, tác động tới tất cả các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cước vận tải hàng hóa quốc tế liên tục tăng từ đầu năm với mức tăng trên 50%. Giá cả đầu vào cao đã làm chi phí, giá thành sản phẩm tăng đáng kể, tác động tiêu cực tới doanh nghiệp.

Thậm chí, theo đánh giá của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, yếu tố mang tính mùa vụ có thể làm tăng giá như: cầu tiêu dùng tăng mạnh vào dịp cuối năm do người lao động được tăng thưởng tết dương lịch cũng sẽ không còn nhiều do sự sụt giảm mạnh lợi nhuận của đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2012.

Còn theo Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công thương, cả nước hiện có hơn 265 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong năm 2012 đã có 15.460 doanh nghiệp ngừng hoạt động./.