Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc đàm phán sẽ mang lại nhiều cơ hội to lớn cho kinh tế, thương mại của các nước tham gia. Trong đó, ngành dệt may của Việt Nam là một trong những ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này. Tuy nhiên, để tận dụng tốt những cơ hội mà TPP mang lại, các doanh nghiệp dệt may phải vượt qua không ít thách thức.

Sau hơn 20 năm phát triển, ngành Dệt may Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế hàng đầu của cả nước với kim ngạch xuất khẩu đóng góp từ 10%-15% GDP/năm. Hiện, Việt Nam là một trong 5 nhà xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới với các thị trường chủ yếu là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản. Sở dĩ ngành dệt may đạt được những kết quả khả quan trong thời gian qua là do các doanh nghiệp trong ngành đã không ngừng nỗ lực đầu tư công nghệ sản xuất, chuyển dần sang phương thức sản xuất đem lại giá trị gia tăng cao hơn.

img20150925161544_kpjw.jpg
Để tận dụng tốt những cơ hội mà TPP mang lại, các doanh nghiệp dệt may phải vượt qua không ít thách thức.
Nhằm đón đầu cơ hội từ Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại đa phương, song phương, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp dệt may đã tập trung đầu tư về công nghệ và nhân lực. Cụ thể, trong hai năm 2014 và 2015, Tổng công ty Dệt may Hà Nội đã đầu tư 1.500 tỷ đồng cho các dự án sản xuất hàng dệt kim, sợi và may mặc để nhân rộng năng lực cung ứng hàng may mặc xuất khẩu.

Tổng Công ty cổ phần Phong Phú dự kiến sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng/năm để mở rộng năng lực sản xuất cho ngành dệt nhuộm với các sản phẩm chủ lực như dệt kim, vải jeans, sợi chỉ may… Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp dệt may còn chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế và tiếp cận thị trường.

Ông Võ Phan Sơn, Giám đốc Công ty sản xuất phụ liệu ngành may Kim Hoa KFK cho biết, với các hiệp định song phương sắp được ký kết sẽ là cơ hội lớn, đồng thời cũng là thách thức lớn cho Kim Hoa KFK. Hiện công ty đang không ngừng nâng cấp nhà xưởng, máy móc, công nghệ để đạt được các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn nhà xưởng cao hơn để có thể hợp tác được với những đối tác lớn hơn.

Trong số các thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 50% thị phần vào thị trường này. Riêng với ngành dệt may, trong 20 năm qua, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ từ con số không đã tăng lên tới 9,8 tỷ USD vào năm 2014. Dự kiến với tốc độ tăng trưởng như vậy, năm nay, xuất khẩu dệt may sang thị trường Mỹ có thể đạt 11 tỷ USD. Khi Hiệp định kinh tế đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương được ký kết thì con số này sẽ tăng lên gấp đôi.

Theo bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam, đến thời điểm này ngành dệt may đã chuẩn bị các điều kiện để đón đầu hiệp định, cùng với đó là nỗ lực đáp ứng tốt những yêu cầu mà thị trường Mỹ đòi hỏi, đó là các vấn đề xã hội, trách nhiệm sản phẩm, thân thiện với môi trường... Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay của ngành dệt may Việt Nam là yêu cầu cao về xuất xứ, bởi ngành vẫn còn lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên phụ liệu như vải, nhuộm.

“Ngành dệt may phải tăng cường khâu đào tạo nguồn nhân lực để chuẩn bị đón nhận các dự án đầu tư cũng như tăng cường sản xuất nguồn nguyên phụ liệu cho dệt may. Bên cạnh đó rất cần nhà nước hỗ trợ trong vấn đề trong khâu dệt may thì cũng có phần dệt nhuộm, đặc biệt là nhuộm và hoàn tất thì nó sẽ có những quy định rất khắt khe về vấn đề bảo vệ môi trường. Đặc biệt vấn đề về xử lý nước thải, tiêu chuẩn xử lý nước thải sau khi đã được xử lý phải đáp ứng được các yêu cầu của Việt Nam”, bà Dung chỉ rõ.

Còn theo ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương và nhiều Hiệp định thương mại tự do khác, các doanh nghiệp dệt may phải chủ động, tích cực đổi mới trong sản xuất kinh doanh, khắc phục những tồn tại như: năng suất lao động thấp, công tác thiết kế, xây dựng thương hiệu còn nhiều hạn chế, nhất là việc cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành còn yếu, chủ yếu dựa vào nhập khẩu. Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời sẽ hỗ trợ ngành dệt may trong một số lĩnh vực nhất định.

“Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực; hỗ trợ trong nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ cho việc xử lý môi trường, phát triển công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ cho việc xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành trong ngành dệt may. Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập, nỗ lực của mỗi doanh nghiệp luôn là điều quan trọng nhất. Trong phạm vi của mình phù hợp với các cam kết quốc tế, Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ doanh nghiệp dệt may vượt qua thách thức hiện nay. Đồng thời xây dựng, tận dụng được những cơ hội do quá trình hội nhập mang lại để phát triển”, ông Dũng khẳng định.

Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương đã kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ được ký kết vào đầu năm tới, mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới. Tuy nhiên, dù cơ hội lớn đến đâu nhưng nếu doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp dệt may nói riêng không chủ động nắm bắt thì thời cơ sẽ đi qua. Đây sẽ là giai đoạn để các doanh nghiệp thay đổi và có chiến lược mới phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường, đồng thời có những bước tiến vững chắc trên con đường hội nhập sâu rộng với thế giới./.