Vậy là sau 5 năm đàm phán cam go, cuối cùng thì 12 quốc gia tham Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đã ngã ngũ cho một tương lai mới không chỉ của 12 quốc gia trực tiếp trong TPP. Sau khi TPP sẽ chính thức được ký kết, những “luật chơi” được các bên cam kết trong Hiệp định này không chỉ mở đường cho khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới mà còn là vạch dẫn đường cho một hành trình lan tỏa TPP tới dòng chảy thương mại, đầu tư toàn cầu. Việt Nam ta cũng đang vỡ òa niềm vui chung với thành quả đàm phán. Nhưng từ đây, chông gai cũng sẽ bắt đầu…
Vỡ òa niềm vui…
Tất nhiên là vui rồi. Bởi hành trình suốt chặng đường 5 năm gian khó, trực tiếp và trước hết thuộc về các nhà đàm phán của nước ta, rồi rộng hơn là sự nỗ lực đầu tư cả về trí tuệ, tinh thần, vật chất… không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị với một quyết tâm tầm chiến lược mang tên “Việt Nam trên đường hội nhập quốc tế”, trong đó TPP chỉ là một điểm nhấn. Song, điểm nhấn này rất quan trọng. Vì rằng, TPP sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu, và được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
TPP được đánh giá mang lại nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam (ảnh minh họa: KT) |
Những con số này quả là ấn tượng cho một tương lai kinh tế 12 quốc gia trong TPP nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Vui hơn là nhiều nghiên cứu dự báo rằng, dù với kịch bản nào xảy ra đi nữa, thì Việt Nam cũng là quốc gia nhận được nhiều lợi thế nhất khi TPP được ký kết. Một trong những dự báo có chất khoa học chuyên sâu gây được nhiều ý là “Đánh giá tác động của TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới công bố. Trong đó, VEPR chỉ ra rằng: Khi TPP được ký kết, đối với toàn bộ nền kinh tế, trong hầu hết các kịch bản mô phỏng, Việt Nam là nước có được mức thay đổi GDP lớn nhất tính theo %.
Không chỉ có thế, về đầu tư, dự báo mức tăng đầu tư của Việt Nam là ấn tượng nhất trong các nước, xấp xỉ mức tăng của Nhật và gần gấp đôi mức tăng của Australia, Malaysia và Mỹ (tính theo giá trị). Về cấu trúc của nền kinh tế, Việt Nam sẽ chứng kiến sự thu hẹp của các ngành kém lợi thế hoặc lợi thế đang suy giảm. Trong khi đó, nền kinh tế sẽ có sự mở rộng cả về sản lượng lẫn lao động trong các ngành có lợi thế và những ngành ít thương mại (đặc biệt là dệt, may, da giầy, dịch vụ công và xây dựng). Đồng thời, có sự dịch chuyển rõ rệt về các nguồn lực sản xuất từ các ngành thu hẹp sang các ngành mở rộng.
Nếu điều này sớm thành hiện thực, dẫu 5 năm qua khiến nhiều nhà đàm phán TPP của ta tóc đã thêm sợi bạc thì cũng đáng lắm chứ. Bởi TPP đâu chỉ để mong thành quả trong ngày một ngày hai mà là khối trợ lực cho tương lai nền kinh tế quốc gia.
Và như thế, nói đàm phán TPP thành công, vỡ òa niềm vui hẳn không hề quá. Vui là đúng, là lẽ phải trong hành xử của những người biết trọng cái ‘thiên thời’ và ‘nhân hòa’ trong tâm thế kỳ vọng TPP sẽ tạo ra một bước nhảy vọt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước.
…nhưng chông gai cũng bắt đầu
Đến thời điểm này, dù các vòng đàm phán TPP đã kết thúc, nhưng có thể bắt đầu thực hiện thì TPP còn cần phải nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội một số nước, đặc biệt là Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là cửa ải được đánh giá không dễ vượt qua. Nhưng “đầu đã xuôi…”, dù nhiều nghị sĩ quốc hội Mỹ hay các quốc gia khác trong TPP còn lấn cấn nhiều điều. Song các nhà đàm phán không phải thỏa thuận trên lập trường cá nhân họ, mà lựa chọn và quyết định cam kết của họ trong Hiệp định là trí tuệ tập thể của những người được nhân danh quốc gia. Đó còn là lương tâm và trách nhiệm của những nhà đàm phán vì sự tiến bộ nhân loại, trong đó bên nào "chơi" trong TPP cũng sẽ giành phần thắng cho mình.
Với cơ sở đó, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan rằng, “…đuôi sẽ lọt”. TPP sẽ được ký kết một ngày không xa. Tất nhiên, đã có chung 'thiên thời', 'nhân hòa' rồi, điểm khác nhau sẽ là phần thắng ấy to hay nhỏ, ở lĩnh vực nào hay tất cả… còn tùy thuộc vào 'địa lợi' của mỗi quốc gia trong chặng đường thực thi đầy chông gai trước mặt. Vấn đề đặt ra ngay từ lúc này là mỗi quốc gia sẽ phải tìm ra cách chơi của riêng mình để vừa không phạm luật mà lại giành được phần thắng trong sân chung TPP.
Vậy Việt Nam sẽ làm gì? Nhiều chuyên gia đã thẳng thắn rằng, Với TPP không chỉ toàn màu hồng. Ở đó, không có ngoại lệ cho Việt Nam! Hơn nữa, TPP cũng không phải là duy nhất, càng không phải là tất cả những gì Việt Nam, cụ thể là các doanh nghiệp và người dân, phải “đấu” trên thị trường thế giới. Bên cạnh các thị trường thuộc TPP, còn rất nhiều thị trường lớn khác mà Việt Nam đã và đang ký kết hiệp định thương mại. Hơn nữa, nếu dòng thương mại mà dịch chuyển theo hướng tập trung vào khối TPP nhiều hơn thì rủi ro sẽ tăng chứ không phải lợi tăng. Bởi vì, bên cạnh Việt Nam, trong TPP chỉ có 11 nước. Nếu nảy sinh vấn đề bất trắc từ khối TPP thì Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng quan ngại TPP có thể mang lại lợi ích nhất định về thương mại, đầu tư cho Việt Nam trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, tác động tiêu cực về tài nguyên, môi trường, nhân lực... khó tránh, nếu không có giải pháp hợp lý, kịp thời.
Cho nên, thẳng thắn mà nói, lợi ích TPP mang lại mới chỉ là dự báo kiểu vẽ mô hình. Còn thực tế TPP mang lại thì cần chờ thời gian trả lời. Nhưng có một điều chắc chắn phải xảy ra là: Muốn “chơi” được trên sân TPP rộng lớn này, Việt Nam cần chuẩn bị hàng trang cho mình một cách chuyên nghiệp, hợp xu thế chung của kinh tế thế giới. Trong đó, trước hết là thể chế và các chính sách kinh tế phải đủ sức cho Việt Nam thích nghi với tình hình mới. Đồng thời, yếu tố con người – nguồn nhân lực, đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp cũng phải đủ tầm để vững bước tự tin “thi đấu” trên đấu trường thương mại, đầu tư của TPP, mà ở đó, các đối thủ đều dày kinh nghiệm thương trường quốc tế./.