Hiện ở LB Nga có rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ của người nước ngoài hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam hoạt động rất bài bản và có hiệu quả.

Nhân dịp Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sắp sang thăm Việt Nam, phóng viên Đài TNVN thường trú tại LB Nga đã phỏng vấn ông Trần Đăng Chung, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Milton tại LB Nga về một số nội dung liên quan đến các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga.

PV: Xin ông cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ở Liên bang Nga đã xác lập được vị thế của mình như thế nào trên thị trường Nga?

pv-ct-hh-dn-vn-tai-lb-nga-7.jpg
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Trần Đăng Chung, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga

Ông Trần Đăng Chung: Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga ra đời vào những năm 1990, ban đầu chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực buôn bán nhỏ. Trải qua rất nhiều biến động, một số doanh nghiệp này đã đi vào ổn định, phát triển và đầu tư vào một số lĩnh vực. Họ đã tạo ra công ăn việc làm cho người Việt Nam, cũng như người địa phương, đóng góp vào ngân sách của Liên bang Nga. Trong số những doanh nghiệp này, có thể kể đến một số các doanh nghiệp tiêu biểu như trong lĩnh vực sản xuất hàng thực phẩm, có doanh nghiệp FJ Group sản xuất mì ăn liền với thương hiệu “Rontol”, và một số doanh nghiệp khác...

Các doanh nghiệp này chiếm đến 60 - 70% thị trường đồ ăn nhanh và doanh thu hàng năm xấp xỉ 1 tỷ USD.

Trong lĩnh vực sản xuất giày dép và quần áo, có những tập đoàn như Milton, công ty Dinatex và một số công ty khác. Lĩnh vực kinh doanh các trung tâm thương mại, phải kể đến công ty Incentra - chủ đầu tư trung tâm thương mại Hà Nội tại Moscow.

Khi Trung tâm đi vào hoạt động sẽ là địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga cũng như các doanh nghiệp khác ở trong nước trong việc đưa hàng hóa từ trong nước sang thị trường Nga. Ngoài ra một số doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu chuyển sang lĩnh vực bán lẻ, ví dụ như một doanh nghiệp tại thành phố Krasnodar đã có hệ thống của hàng bán lẻ quần áo, giày dép với quy mô trên 100 cửa hàng. Ở các thành phố như Piatchigork, Kazan, Ekaterenbua... các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trung tâm thương mại cũng rất tốt.

PV: Ngoài những lĩnh vực như ông vừa nêu, các doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga hiện còn hoạt động trong những lĩnh vực nào, và theo ông, còn có những lĩnh vực nào là tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam mà chưa được khai thác?

Ông Trần Đăng Chung:  Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam còn hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau, ví dụ như: bất động sản, nhà hàng, khách sạn, du lịch, bất động sản... rồi logistig (hậu cần) và sản xuất một số mặt hàng tiêu dùng khác.

Hiện nay, người Việt tập trung vào một số lĩnh vực được cho là có thế mạnh, còn một số lĩnh vực khác, theo tôi cũng chưa được quan tâm thỏa đáng. Ví dụ như lĩnh vực sản xuất một số mặt hàng tiêu dùng, rồi lĩnh vực làm đẹp và tiếp đến là lĩnh vực lao động chăm sóc người cao tuổi, người tàn tật... Đây là những lĩnh vực còn bỏ ngỏ mà trong thời gian tới có thể khai thác được.

 PV:Thưa ông, trong các doanh nghiệp của người Việt Nam tại LB Nga có sự tham gia như thế nào của người địa phương, cả ở cương vị quản lý cũng như người làm công? Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc sử dụng người Nga làm việc có thuận lợi và khó khăn gì?

Ông Trần Đăng Chung:  Như tôi đã nói, các doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga hoạt động đã tạo ra hàng chục nghìn công ăn việc làm cho người địa phương cũng như người Việt Nam. Hầu hết trong số đó sử dụng người lao động địa phương là chính. Tuy nhiên có mức độ khác nhau và tùy theo đặc thù của từng lĩnh vực, từng công ty mà sử dụng tỷ lệ người địa phương với người Việt Nam khác nhau. Khó khăn trong sử dụng lao động địa phương là bản thân nước Nga đang thiếu lao động nên với các doanh nghiệp có nhu cầu nhân công nhiều, công việc tuyển dụng sẽ rất khó khăn. Những doanh nghiệp đòi hỏi tính cần cù, khéo tay thi việc tuyển dụng lao động địa phương cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, khi sử dụng lao động địa phương cũng có thuận lợi, đó là tính ổn định. Bên cạnh đó, các chủ doanh nghiệp không phải lo chỗ ở cho công nhân.

PV:Thưa ông, mới đây, Tổng thống Putin ký ban hành Thỏa thuận về lao động tạm thời giữa Nga và Việt Nam. Theo ông, Thỏa thuận này sẽ giúp giải quyết được những trở ngại nào đối với các doanh nghiệp và lao động hai nước?

Ông Trần Đăng Chung: Hiệp định Lao động tạm thời mà ông Putin ký vừa qua sẽ tạo thuận lợi cho cả người sử dụng lao động và cả người lao động của cả hai nước.

Thứ nhất, nó tạo hành lang pháp lý để sau đó triển khai các văn bản cụ thể. Thứ hai, người lao động cũng như người sử dụng lao động sẽ được pháp luật có những quy định cụ thể, rõ ràng và được pháp luật bảo vệ.

Thứ ba, người lao động sang Nga làm việc sẽ không phải về nước khi muốn chuyển sang làm việc cho chủ lao động khác. Đó là những thuận lợi cho cả các doanh nghiệp Việt  Nam và doanh nghiệp Nga.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!.