Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (gọi tắt là EVFTA) đang mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, để vượt qua những yêu cầu vốn rất khắt khe của thị trường EU là điều không dễ dàng.
Với lợi thế bờ biển dài, vùng nuôi trồng và đánh bắt rộng lớn, tỉnh Quảng Ninh có khá nhiều doanh nghiệp chế biến thủy hải sản, trong đó có 9 doanh nghiệp đủ năng lực chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và các thị trường tương tự. Mỗi năm, các doanh nghiệp này chế biến, xuất khẩu hàng ngàn tấn sản phẩm, đa dạng từ nhuyễn thể 2 mảnh vỏ đến cá, tôm các loại.
Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua, các doanh nghiệp này cũng mong muốn tận dụng hạ tầng kỹ thuật sẵn có, sẵn sàng đầu tư thêm các trang thiết bị mới để chế biến, sản xuất các sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường châu Âu.
Ông Trần Văn Út, Cty TNHH thương mại XNK Vĩ Tuyến, có trụ sở tại thành phố Móng Cái cho biết, thị trường EU đang được doanh nghiệp rất quan tâm, nhưng hiện nay chưa tìm được đối tác. “Tôi rất mong được nhận được hỗ trợ của Chính phủ, các thương vụ viện nước ngoài, có được kênh kết nối tốt nhất để tiếp cận thị trường của hiệp định EVFTA. Còn về vấn đề đầu tư công nghệ, nhà xưởng, quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng chúng tôi luôn sẵn sàng...”, ông Út nói.
Công nghệ hay dây chuyền sản xuất hiện đại là điều các doanh nghiệp có thể chủ động, nhưng để hàng thủy sản của Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng đến được với khách hàng châu Âu thì điều kiện bắt buộc là sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp và rõ ràng về các chỉ tiêu ATVSTP.
Tiêu chuẩn áp dụng không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP; năng lực chế biến cũng cần được tăng lên, sản phẩm có thể bảo quản dài ngày... để phù hợp với thị trường EU, nơi có khoảng cách địa lý lớn so với thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản.
Ông Đỗ Quang Sáng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP XNK thủy sản Quảng Ninh nhận định, khác với thị trường Đông Bắc Á, mỗi lần xuất khẩu sang thị trường châu Âu là lô hàng rất lớn, đòi hỏi vùng nguyên liệu ổn định, tập trung và được kiểm soát chặt chẽ, đủ các tiêu chuẩn về vệ sịnh ATTP cũng như dư lượng kháng sinh.
“Để thủy sản Quảng Ninh vào được thị trường EU, các doanh nghiệp cần đầu tư quy mô lớn hơn và kiểm soát vùng nuôi. Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp nhưng cũng là của các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện bằng được những quy định này...”, ông Sáng chỉ rõ.
Với bờ biển dài, rộng lại có độ mặn vừa phải, Quảng Ninh có thế mạnh và tiềm năng để phát triển diện tích chuyên canh thủy sản nhất là các loại hải sản đặc sản như ngao hai cùi, tôm, hàu các loại... Hiện Quảng Ninh đã có chính sách thu hút một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ, cơ cấu lại vùng nuôi phù hợp với thực tế của các địa phương, góp phần phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững.
Dù vậy, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng, ngoài vùng nuôi an toàn, Quảng Ninh cần giải quyết tốt các khuyến cáo về chống đánh bắt thủy, hải sản bất hợp pháp IUU.
“Tỉnh Quảng Ninh phải quản lý được đội tàu khai thác, đặc biệt là đội tàu từ 15m trở lên lắp giám sát hành trình, sơn màu... Những sản phẩm sau khai thác cần cập cảng để khai báo sản lượng, chủng loại, nộp nhật ký khai thác từ đó làm cơ sở xác nhận, chứng nhận cho sản phẩm chế biến xuất khẩu”, ông Luân chỉ rõ.
EVFTA có hiệu lực, nhiều dòng sản phẩm của thủy sản Việt Nam xuất sang EU sẽ được giảm thuế suất về 0% nhưng các biện pháp phi thuế quan cũng sẽ được sử dụng phổ biến, đa dạng và khắt khe hơn. Chính vì vậy, ngành thủy sản Việt Nam nói chung và doanh nghiệp thủy sản Quảng Ninh nói riêng rất cần sự hỗ trợ về vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển thị trường và xúc tiến thương mại...
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ sẽ tổ chức các hội nghị cung cấp thông tin với các mặt hàng nông, hải sản để giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường tốt hơn nữa các thị trường này. Qua đó để làm rõ từng vấn đề mang tính chiến lược cho đến những quy định cụ thể, trong các thương vụ cụ thể để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng phần nào cho thấy thủy sản Việt Nam đã khẳng định được uy tín và thương hiệu ở thị trường EU. Với việc Hiệp định EVFTA chính thức được phê chuẩn, thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu năm 2021 xuất khẩu vào thị trường EU sẽ đạt trên 2 tỷ USD.
Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu này, các doanh nghiệp thủy sản tại Quảng Ninh đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng bền vững và tuân thủ các quy định của pháp luật. Bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, vai trò của Nhà nước và Hiệp hội rất quan trọng trong việc hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ các nguyên tắc, đòi hỏi của thị trường cũng như các cam kết trong EVFTA./.