Trong 1 tháng lại đây, tại tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra 2 vụ đại lý nông sản vỡ nợ với tổng số tiền lên tới hơn 43 tỷ đồng. Hai vụ vỡ nợ này cùng hàng loạt vụ đại lý nông sản ở Gia Lai và Tây Nguyên vỡ nợ trước đó có nhiều đặc điểm chung về những lỗ hổng pháp lý trong hoạt động ký gửi nông sản và những biến tướng của hoạt động tín dụng đen. Những điều này đều đã được cảnh báo nhưng cả nông dân và cơ quan chức năng vẫn chưa nhìn nhận đúng bản chất vấn đề để có giải pháp ngăn chặn.

nn1_juac.jpg
Ông Dương Văn Hòa trình báo về việc cho đại lý Nguyệt Tỉnh vay 15 tấn cà phê.
Vài ngày sau khi đại lý thu mua cà phê - nông sản Nguyệt Tỉnh, ở xã K’Dang, huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai tuyên bố vỡ nợ với số tiền hơn 36 tỷ đồng, hàng chục nông dân trồng hồ tiêu, cà phê trong vùng lâm vào cảnh điêu đứng.

Ông Hà Văn Tư, ở thị trấn Đắc Đoa, huyện Đắc Đoa cho biết, sau mấy niên vụ liên tiếp, gia đình ông tích lũy được khoảng 2 tấn hạt tiêu và gần 9 tấn cà phê nhân, trị giá gần 700 triệu đồng. Toàn bộ số hồ tiêu và cà phê này ông đem ký gửi ở Đại lý Nguyệt Tỉnh, do bà Nguyễn Thị Nguyệt trú tại thôn Hà Lòng 2, xã K’Dang làm chủ.

Là chỗ quen biết, tin tưởng nhau nên khi ký gửi ông chỉ nhận những tờ giấy viết tay hoặc phiếu giao nhận hàng do bà Nguyệt ký nhận, còn số hàng sau đó bà Nguyệt sử dụng làm gì thì ông không hề hay biết. Đến nay, khi Đại lý Nguyệt Tỉnh tuyên bố phá sản, cả gia đình ông đứng ngồi không yên vì gần như toàn bộ tài sản làm ra, tích lũy được giờ có thể mất trắng.

“Nhiều khi gia đình sẵn sàng cho mượn hàng hoặc bán hàng xong vẫn cho mượn tiền để đại lý làm là sự tin tưởng tuyệt đối. Thực ra, đặc điểm vùng sâu, vùng xa cũng có hạn chế về nhận thức pháp luật còn thấp nên chỉ lấy lòng tin là chính”, ông Tư chia sẻ.

Câu chuyện lòng tin được xây bằng uy tín và những lỗ hổng pháp lý trong việc vay mượn, ký gửi nông sản tiếp tục được nhắc đến trong hai vụ vỡ nợ của đại lý nông sản Nguyệt Tỉnh ở huyện Đắc Đoa và Kỳ- Niềm ở huyện Ia Grai. Những tờ giấy ghi nợ viết bằng tay hay những hóa đơn ký gửi nông sản không quy định rõ ràng việc “ký gửi” vẫn được lưu hành rộng rãi. Doanh nghiệp sau khi nhận nông sản của nông dân, vẫn có thể tùy ý sử dụng mà không bị bất cứ một ràng buộc pháp lý nào. Bên cạnh đó, những cơ ngơi bề thế của doanh nghiệp khiến nông dân dễ đặt hết niềm tin, giao tài sản mà không nghĩ đến rủi ro.

Ông Dương Văn Chung, ở thôn Hà Lòng 2, xã K’Dang, ký gửi 15 tấn cà phê nhân ở đại lý Nguyệt Tỉnh nhưng chưa lấy được tiền, cho rằng, cần phải có quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn về việc ký gửi cà phê - nông sản để doanh nghiệp không thể tự ý mang hàng hóa của nông dân đi giao dịch.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần sớm đưa ra chế tài quản lý đối với các đại lý thu mua nông sản được mở ra một cách tự phát và ồ ạt. Không thể thả nổi như hiện nay để doanh nghiệp tự ý hoạt động, kinh doanh rồi lợi dụng kẽ hở, chiếm đoạt tài sản của nông dân.

“Pháp luật, chế tài chưa rõ ràng đã tạo ra kẽ hở cho doanh nghiệp lợi dụng do đó cần thay đổi chế tài để cho người dân ký gửi hàng hóa yên tâm, tránh thiệt hại quá lớn cho người dân”, ông Chung cho biết.

Cũng giống như nhiều vụ vỡ nợ trước đây ở Tây Nguyên, nhân tố quan trọng để hai vụ vỡ nợ mới đây tại Gia Lai có quy mô lớn, đó là tín dụng đen. Bị hấp dẫn bởi lãi suất rất cao, nên nhiều nông dân chấp nhận rủi ro cho vay tiền, hoặc bán nông sản xong rồi đem tiền ấy cho doanh nghiệp vay để kiếm lời.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh nói về nguyên nhân vỡ nợ và cách thức trả nợ.
Ở trường hợp của Đại lý Nguyệt Tỉnh có giao ước, bán 10 tấn cà phê nhân nhưng không lấy tiền ngay mà cho vay đến vụ sau thì được quy đổi thành 13-15 tấn. Còn nếu cho vay tiền mặt thì lãi suất những năm trước là 3-5%/tháng nhưng càng về sau, lãi càng được đẩy lên cao, bình quân 6-9%/tháng.

Cá biệt, để huy động được tiền, gần đây doanh nghiệp đẩy lãi suất lên tới 3%/ngày, tức 21% mỗi tuần. Ảo giác cực mạnh của tín dụng đen đã thực sự làm mờ mắt nhiều nông dân. Theo thống kê ban đầu, số tiền mặt mà doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh vay “nóng” với lãi suất cao lên tới hơn 16tỷ đồng. Một số người bị ảo giác đến mức, dù biết Đại lý Nguyệt Tỉnh từng vỡ nợ ở Đắc Lắc, bỏ sang Gia Lai kinh doanh nhưng vẫn cho vay.

Ông Dương Văn Hòa, ở thôn Hà Lòng 2, xã K’Dang cho Đại lý Nguyệt Tỉnh vay số hàng gồm 6 tấn hồ tiêu và 15 tấn cà phê, trị gần 1,7 tỷ đồng chia sẻ: “Người dân phải rất thận trọng hơn nữa trước những lời hứa về lãi suất để tránh phải chịu thiệt thòi. Qua vụ việc này, các cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng nên giải quyết và xử lý thật nghiêm khắc, để tránh sau này lại xảy ra những trường hợp tương tự”, ông Hòa mong muốn.

Kịch bản vụ vỡ nợ của hai doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh (huyện Đắc Đoa) và Kỳ- Niềm (huyện Ia Grai) xảy ra không khác gì những vụ vỡ nợ gần đây tại tỉnh Gia Lai và Tây Nguyên đã được phản ánh. Chủ doanh nghiệp chủ động tới cơ quan chức năng trình báo phá sản chứ không bỏ trốn hay rời khỏi địa phương.

Cách làm này giúp chủ doanh nghiệp không những không bị khởi tố mà còn có nơi “lánh nạn” là trụ sở UBND xã hoặc Công an huyện trong khi vụ việc được điều tra, xác minh. Ở một nơi an toàn, chủ doanh nghiệp như ngồi “chiếu trên”, có thể bình tĩnh trình báo và suy nghĩ, đưa ra cách thức trả nợ.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh nói về nguyên nhân vỡ nợ và cách thức trả nợ: “Khi không có tiền nữa thì tôi đi vay tiền lãi 3 đồng/ngày (3% một ngày). Vay người này đắp qua người kia, rồi mượn cà phê người đây trả cho người khác. Đến cuối cùng không có tiền nữa, không mượn được nữa thì tôi lên báo chính quyền làm ăn thất bại. Giờ không có lãi nữa thì làm vẫn trả nợ được, giờ mà tính lãi thì tôi không trả nữa”, bà Nguyệt tiết lộ.

Chưa rõ việc trình báo phá sản của doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh và Kỳ Niềm ở Gia Lai là có thật không hay đó chỉ là chiêu trò để chiếm đoạt tài sản của nông dân. Bởi theo phản ánh của người dân, mới chỉ vài ngày trước khi tuyên bố vỡ nợ, đích thân chủ doanh nghiệp đánh xe tải tới tận từng hộ nông dân, dùng đủ mọi lời lẽ, mọi cách để vay, nhận ký gửi hoặc mua hồ tiêu, cà phê. Nhưng ngay sau khi tuyên bố vỡ nợ, kho hàng của doanh nghiệp này đã trống rỗng, cà phê và hồ tiêu của nông dân đã không cánh mà bay.

Và trong khi doanh nghiệp - con nợ có thể bình tĩnh khai báo và nghĩ ra cách thức trả nợ thì chủ nợ - những người nông dân lại đứng ngồi không yên. Họ không còn cách nào hơn là chầu chực thông tin từ cơ quan chức năng và chờ những lời hứa trả nợ trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, đã gần chục năm nay kể từ khi làn sóng vỡ nợ ở các đại lý thu mua cà phê- nông sản lan rộng ra cả Tây Nguyên, hầu như không có mấy ai đòi được số nợ của mình. Cũng chưa từng thấy phiên tòa nào được mở ra để giúp đòi nợ cho nông dân.

Những lỗ hổng pháp lý trong ký gửi cà phê - nông sản vẫn còn đó, hoạt động tín dụng đen vẫn hoành hành và những vụ vỡ nợ vẫn tiếp diễn, kéo theo hàng trăm, hàng nghìn nông dân điêu đứng./.