Trong đó có gần 5.700 tỷ đồng tiền nợ đóng BHXH của hơn 100.000 doanh nghiệp. BHXH Việt Nam sẽ triển khai những biện pháp gì để quản lý tốt nguồn thu khi Luật BHXH (sửa đổi) đã có hiệu lực từ 1/1/2016? Phóng viên VOV phỏng vấn ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban thu, BHXH Việt Nam về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH bắt buộc?

Ông Trần Đình Liệu:Các doanh nghiệp tái cơ cấu cũng khó khăn trong việc sắp xếp lại nhân lực, bố trí việc làm, trả lương, vì phải dành nhiều khoản tiền để đầu tư máy móc, thiết bị. Họ cũng cơ cấu lại lực lượng lao động, trả lương cao lên thì doanh nghiệp  đó bước đầu cũng rất khó khăn. Một số doanh nghiệp cũng cố tình lạm dụng khi lãi suất thấp, tiền BHXH phải đóng nhưng tạm thời giữ lại để kinh doanh. Đó là những cơ chế chưa đủ mạnh nên họ lách luật.

bao_hiemn_bptm.jpg
 Ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban thu, BHXH Việt Nam

Ngành BHXH thiếu nhân lực, phần lớn ở văn phòng làm các thủ tục nghiệp vụ, chưa có thời gian đi tư vấn và nhắc nhở doanh nghiệp.

Hiện toàn ngành chỉ có 4.000 người trực tiếp làm công tác thu. Với việc thu và quản lý thu 70 triệu người, khối lượng thu hơn 200.000 tỷ đồng trên 400.000 đơn vị, thì nguồn nhân lực này không đủ làm và gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, trong năm vừa rồi, cơ chế chưa được tháo gỡ, chế tài chưa đủ mạnh, hiệu quả trong kiểm tra, thanh tra, đôn đốc chưa có.

PV: Thưa ông, mặc dù BHXH Việt Nam đã tiến hành khởi kiện các doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH nhưng vẫn còn tình trạng chây ỳ, trốn tránh làm ảnh hưởng đến hàng nghìn lao động. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Đình Liệu:Trong khởi kiện, những đơn vị nào làm ăn tốt, khi chúng tôi gửi đơn khởi kiện thì họ chấp hành ngay. Có 20-30% doanh nghiệp chấp hành tốt, còn lại 30-40%, tòa phải thụ lý. Còn lại 30% doanh nghiệp rất khó khăn như doanh nghiệp phá sản, giải thể, chờ giải thể. Chúng tôi cũng khởi kiện ra tòa, nhưng xử xong không có gì đòi lại được.

Thi hành án thì ưu tiên các khoản vay ngân hàng, trả lương mà không nói gì đến trả BHXH. Khi thanh lý tài sản, BHXH chưa được ưu tiên, khởi kiện gần như không có hiệu quả. Đây là bài toán khó, làm sao quản lý các doanh nghiệp giải thể, phá sản, mất tích là cả một vấn đề. Hiện có khoảng 6.000 lao động trong các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng.

BHXH Việt Nam đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đảm bảo quyền lợi cho người lao động nhưng vì nguyên tắc là có đóng có hưởng, đóng đến đâu ký đến đó. Thanh lý tài sản nếu có thì trả cho người lao động, trong khi đó, ngân sách không có quỹ gì để làm việc này. Về lâu dài, doanh nghiệp phải có quỹ đảm bảo quyền lợi cho người lao động bằng thế chấp hoặc bảo lãnh. Chính sách cũng phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động. 

PV: Hiện mới chỉ có hơn 200.000 doanh nghiệp tham gia đóng BHXH bắt buộc cho người lao động trong khi cả nước có gần 600.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Vậy làm thế nào để tăng thêm doanh nghiệp tham gia đóng trong thời gian tới?

Ông Trần Đình Liệu:Năm 2016, ngành BHXH tiếp tục rà soát doanh nghiệp mà ngành thuế cung cấp. Mặc dù có 600.000 doanh nghiệp nhưng thực chất hoạt động không phải là nhiều. Các doanh nghiệp còn lại chưa đóng BHXH chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và dịch vụ như công ty gia đình, tư nhân có 3-4 người hoặc 5-6 người, có thể sử dụng lao động đã về hưu, lao động thời vụ, có khi lao động làm 2,3 nơi.

Tới đây chúng tôi có cơ chế phối hợp với cơ quan thuế, yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai đóng BHXH trước, kể cả lao động không phải diện đóng BHXH bắt buộc vẫn phải xác nhận giữa ngành BHXH và ngành thuế. Như vậy mới quản lý được số doanh nghiệp ngoài quốc doanh, chủ yếu doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo thống kê của Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội, cả nước có 16 triệu lao động có ký kết hợp đồng lao động. Hiện, BHXH chỉ quản lý được 12 triệu lao động, còn dư gần 4 triệu người lao động. Rõ ràng phải khai thác số này và hy vọng rằng số đóng sẽ tăng lên./.

PV: Xin cảm ơn ông!./.