Sáng 29/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2015.

Thuế, hải quan là hai lĩnh vực trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải cải cách trong thời gian qua. Với sự quyết liệt của Bộ Tài chính trong quá trình tham vấn, đối thoại giữa lãnh đạo và doanh nghiệp đã tạo ra được nhiều chuyển biến tích cực.

kiem_tra_thue_va_hai_quan_lrzl.jpg
Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2015 được tổ chức tại Hà Nội.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sự nỗ lực của ngành thuế trong việc điều chỉnh chính sách thuế đặc biệt là thuế tiêu thụ doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu… góp phần tăng thu ngân sách, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như hiện nay.

Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2016 vừa được Ngân hàng Thế giới công bố ngày hôm qua, (28/10) cho thấy, Việt Nam đã tăng 3 bậc so với bảng xếp hạng năm trước. Với cách tính mới cùng hàng loạt tiêu chí được bổ sung trong bản báo cáo này, Việt Nam đứng vị trí thứ 90 trong số 189 nền kinh tế được xếp hạng. Chỉ số về nộp thuế của Việt Nam dù tăng từ hạng 172 lên 168 nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng bởi đây là lĩnh vực trọng điểm trong mục tiêu cải thiện của Nghị quyết 19 năm 2015 của Chính phủ.

Tại hội  nghị, một số doanh nghiệp đã góp ý về những vướng mắc phát sinh, đặc biệt là khó khăn trong việc kiểm dịch, khâu thông quan hàng hóa. Bà Trịnh Tú Oanh, đại diện Công ty TNHH và thương mại dịch vụ An Đô cho biết, doanh nghiệp An Đô hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng và thuốc bảo vệ thực vật. Đây là 2 lĩnh vực phải kiểm tra chuyên ngành, trong những năm gần đây, doanh nghiệp cảm thấy rất phiền hà trong việc kiểm tra chuyên ngành. Chỉ trong 9 tháng, doanh nghiệp đã phải nộp 620 triệu đồng và cử thêm 1 nhân viên làm công việc này. Các thủ tục trong việc kiểm tra chuyên ngành không linh động bởi cùng một mẫu hàng mà vẫn phải kiểm tra lại nhiều lần.

Bà Trịnh Tú Oanh yêu cầu cần cải cách thủ tục hành chính để đỡ gây tốn kém cho doanh nghiệp, trong khâu lưu thông cần kiểm soát để tránh doanh nghiệp bị thiệt thòi.

Đối với lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, doanh nghiệp An Đô ủng hộ việc kiểm tra chất lượng nhưng phải lấy mẫu tại bãi, tại cảng nhập khẩu, nhưng sau khi lấy mẫu xong thì phải cho doanh nghiệp đưa về kho bảo quản. Nếu lấy mẫu xong để chờ có kết quả thì rất mất thời gian. Bản thân doanh nghiệp rất mong muốn kiểm tra chặt chẽ trong lĩnh vực này.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn của doanh nghiệp tại Hội nghị và cho rằng, các ý kiến không chỉ phản ánh với cơ quan chức năng về những khó khăn vướng mắc mà còn hiến kế cho việc tìm ra biện pháp để có thể tiếp tục cải cách chính sách thuế cũng như thủ tục hành chính thuế. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và VCCI sẽ tiếp tục tiếp thu và điều chỉnh để có chính sách phù hợp với doanh nghiệp.

Theo ông Lộc, một số vấn đề về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm hoàn toàn có thể giao cho các doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Trong trường hợp các cơ quan Nhà nước vẫn thực hiện các hoạt động này thì có thể khuyến khích tư nhân đầu tư và Nhà nước sẽ thuê các thiết bị để nâng cấp thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc kiểm tra.

Trong thời gian tới, 4 lĩnh vực chủ yếu phục vụ lĩnh vực thuế và hải quan cần phải được triển khai nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là đơn giản hóa thủ tục hành chính, điện tử hóa giao dịch giữa người dân và doanh nghiệp, xã hội hóa dịch vụ công, tăng cường sự kiểm soát của người dân và doanh nghiệp đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính./.