Đánh giá kết quả sau 6 tháng thực hiện Nghị quyết số 19 ngày 12/3/2015 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, riêng về thủ tục thuế, Bộ Tài chính cho biết, thời gian nộp thuế đã giảm được 78% số giờ thực tế, vượt chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết. Nhưng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khảo sát doanh nghiệp lại cho thấy thời gian thực tế không giảm được như tính toán của Bộ Tài chính vì doanh nghiệp ghi nhận số giờ nộp thuế chỉ giảm khoảng 20%. Chênh số 78% và 20% nói lên điều gì?

Doanh nghiệp và Bộ Tài chính “vênh” đánh giá

Thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo của Viện CIEM, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) dẫn báo cáo của Bộ Tài chính cho biết: Thực hiện cải cách hành chính thuế, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã tiến hành nhiều giải pháp về cải cách hành chính thuế, đẩy nhanh tiến độ triển khai dịch vụ thuế điện tử. Cải cách thủ tục hành chính thuế đã được triển khai ở tất cả các lĩnh vực quản lý thuế như: đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế, miễn thuế, hoàn thuế.

Mục tiêu của Nghị quyết 19/2015 là giảm bớt các rào cản đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam ở cả cấp Trung ương và địa phương, ở những lĩnh vực mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Kết quả cụ thể cho thấy, thời gian nộp thuế giảm 370 giờ trong năm 2014; 50 giờ trong năm 2015. Tổng thời gian giảm đến tháng 9/2015 là 420 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm, tương đương giảm được 78% số giờ thực tế. Kết quả này vượt chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết 19 là đến hết năm 2015 mục tiêu là giảm còn 121,5 giờ/năm.

Đồng thời, tính đến 23/9/2015 đã có tới 98% doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử ổn định. Tổng cục Thuế đã phối hợp với 33 ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Đến nay đã có 84% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử và 71,3% doanh nghiệp nộp thuế điện tử.    

Bà Thảo nhấn mạnh rằng, kết quả giảm giờ nộp thuế như Bộ Tài chính công bố mới chỉ là con số từ phía Bộ Tài chính đưa ra, còn khảo sát thực tế của CIEM thông qua tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp, tham khảo ý kiến thông qua các hội thảo…. lại cho kết quả khác.

Cụ thể, bà Thảo cho biết: “Doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, thời gian thực tế không giảm như tính toán theo những thay đổi chính sách của Bộ Tài chính. Doanh nghiệp ghi nhận thời gian nộp thuế mới chỉ giảm khoảng 20%, tương đương khoảng 110 giờ”.

Doanh nghiệp còn chưa tin cải cách

Lý giải nguyên nhân có con số chênh lớn về mức giảm giờ nộp thuế giữa báo cáo của Bộ Tài chính với doanh nghiệp, bà Thảo cho hay: Có thể cách tính toán của Bộ tài chính dựa theo những sửa đổi của văn bản chính sách. Song, có những chính sách thay đổi không đồng bộ. Do đó, dù có cắt giảm, thay đổi chính sách thuế, nhưng thực tế doanh nghiệp chưa thực sự được hưởng cắt giảm giờ nộp thuế như mục tiêu chính sách, nhiều thủ tục về thuế doanh nghiệp vẫn phải thực hiện như cũ.

Một nguyên nhân quan trọng khác, theo bà Thảo, tâm lý doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào những cải cách này, do vậy tuy thủ tục đã được cắt bỏ, nhưng doanh nghiệp vẫn thực hiện như trước đây. Công tác tổ chức thực hiện ở địa phương cũng không thay đổi tốt như chính sách đề ra.

Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ cải cách thủ tục hành chính thuế cũng chậm, còn nhiều lỗi xảy ra khi thực hiện.

Hay như hạn chế trong lĩnh vực hoàn thuế, còn tình trạng thời gian xem xét hồ sơ hoàn thuế vượt quá quy định và chậm hoàn thuế. Về tiền hoàn thuế, cơ quan thuế cho rằng, dù doanh nghiệp địa phương nhưng quỹ hoàn thuế là từ Trung ương cấp xuống, cho nên khi Trung ương chưa “rót” xuống thì địa phương chưa có tiền hoàn thuế cho doanh nghiệp. Vì thế, dù có quyết định hoàn thuế rồi nhưng cũng không thể hoàn thuế thực tế.

Và, còn thiếu cơ chế liên thông, phối hợp về đăng ký và nộp thuế giữa các cơ quan. Nhiều thay đổi chính sách thuế thay đổi nhanh, doanh nghiệp cập nhật không kịp./.