Nghe cuộc trao đổi giữa PV VOV và bà Đinh Thị Quỳnh Vân
Theo Bộ Tài chính, số giờ mà người nộp thuế phải bỏ ra bình quân là khoảng hơn 540 giờ/năm, mục tiêu đưa ra là đến cuối năm nay sẽ giảm số giờ nộp thuế xuống còn khoảng hơn 300 giờ. Một con số khác về số giờ nộp thuế mà Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) sau khi khảo sát đưa ra là số giờ nộp thuế trong năm 2012 hơn 800 giờ, năm 2013 giảm khoảng 100 giờ.
Bộ Tài chính mới đây đã trình Chính phủ một số giải pháp về thuế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Theo đó, đưa ra các nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan nhằm giảm số giờ nộp thuế của doanh nghiệp 88,36 giờ/năm so với số giờ nộp thuế hiện nay.
PV VOV đã có cuộc trao đổi với bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers Việt Nam về những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến vấn đề này.
PV: Hiện nay về số giờ nộp thuế, WB có đưa ra một con số khá cao so với của Bộ Tài chính. Bà có thể giải thích cụ thể về con số này?
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân: Khảo sát này do WB tiến hành về chỉ số nộp thuế, dựa trên 1 doanh nghiệp giả định theo 3 chỉ số: số lần nộp thuế và các khoản đóng góp bắt buộc như các khoản bảo hiểm bắt buộc trong năm, thời gian mà doanh nghiệp bỏ ra để tuân thủ các quy định về kê khai nộp thuế; số thuế và các khoản đóng góp bắt buộc phải nộp tính theo tỷ lệ phần trăm trên lợi nhuận.
Thực tế, Bộ Tài chính không thực hiện khảo sát, do vậy số liệu của Bộ Tài chính đưa ra 547 giờ là dựa trên con số của WB.
Theo khảo sát năm 2014, số liệu được công bố là dựa trên số liệu của năm 2012 với độ trễ là 2 năm, vì thời gian thực hiện khảo sát, tổng hợp, phân tích số liệu của gần 190 quốc gia mất khá nhiều thời gian, do vậy số liệu có chênh lệch. Bên cạnh đó, mặc dù tên chỉ tiêu của WB là nộp thuế, song khảo sát này thì bao gồm cả các khoản đóng góp bắt buộc mà doanh nghiệp phải nộp cho người lao động, cụ thể ở Việt Nam là các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Theo số liệu khảo sát năm 2012, trong 872 giờ: 537 giờ là dành cho việc kê khai và nộp các khoản thuế, trong đó 332 giờ dành cho thuế GTGT, 217 giờ dành cho thuế TNDN; còn lại 335 giờ liên quan đến việc kê khai và nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc. Con số này đã giảm đáng kể so với năm 2009-2010, khi tổng thời gian phải nộp thuế và các khoản bảo hiểm trên khoảng 1.050 giờ.
Trong năm 2013, thời gian kê khai và nộp các khoản bảo hiểm và thuế cũng giảm hơn 100 giờ do các cải cách đã thực hiện trong năm. Tuy nhiên kết quả này sẽ được thể hiện trong báo cáo của năm 2015.
PV: Tần suất mà các doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế hiện nay được cho là khá nhiều. Theo bà, có thể giảm tần suất này hay không?
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân: So với một số quốc gia khác, đối với doanh nghiệp có quy mô tương tự thì tần suất kê khai nộp thuế ở Việt Nam thực tế là khá lớn. Cụ thể, thuế GTGT và bảo hiểm nộp theo tháng, thuế TNDN nộp theo quý,… Trên thực tế, Bộ Tài chính cũng đã xem xét đến vấn đề giảm tần suất kê khai và nộp thuế. Từ năm 2013, các doanh nghiệp có doanh thu từ 20 tỷ trở xuống được nộp thuế GTGT theo quý, nghĩa là 4 lần thay vì 12 lần trong 1 năm. Theo khảo sát, khoảng 80% số doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc đối tượng này.
Tuy nhiên, hoàn toàn có thể tăng ngưỡng doanh thu tối thiểu được kê khai thuế GTGT theo quý lên 40-50 tỷ. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể không cần kê khai thuế TNDN theo quý như nhiều nước khác, mà tạm nộp dựa trên con số của kế toán, rồi đến cuối năm làm tờ khai quyết toán. Về bảo hiểm cũng có thể thay đổi theo dạng đối chiếu theo quý thay vì theo tháng như hiện nay.
Hiện nay, do nhu cầu về quản lý, cũng như tình trạng thất thu ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chậm nộp bảo hiểm xã hội, nên yêu cầu về thông tin của cơ quan thuế thông qua các tờ khai hoặc các bản khai khá chi tiết. Doanh nghiệp tốn khá nhiều thời gian để lập các bảng kê này.
PV: Các doanh nghiệp nói gì về những rắc rối hoặc những thủ tục gây tốn kém thời gian đối với việc nộp thuế, thưa bà? Bà có biện pháp đề xuất gì để giúp giảm thời gian nộp thuế?
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân: Thời gian thực tế dành cho việc đi nộp thuế không nhiều. Việc nộp thuế trong những năm vừa qua cũng đã được triển khai nộp thuế qua mạng, phần lớn các doanh nghiệp nộp qua ngân hàng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp tốn thời gian chủ yếu ở khâu thu thập thông tin, phân tích thông tin, lập các tờ khai thuế và tờ khai bảo hiểm. Tôi cho rằng, việc chúng ta có thể giảm thời gian nộp thuế xuống mức trung bình của các nước hoặc thấp hơn nữa thì không chỉ phụ thuộc vào cải cách thủ tục hành chính, mà còn cần thay đổi cả về mặt chính sách và phương pháp quản lý thuế. Điển hình như trong thuế TNDN, phần lớn thời gian phát sinh liên quan đến vấn đề chính sách thuế. Đối với thuế GTGT, thuế bảo hiểm cũng phát sinh thời gian từ nhu cầu quản lý. Do vậy, muốn giảm được thủ tục này thì không thể tách rời chính sách, thủ tục hành chính cũng như phương pháp quản lý. Cần thực hiện đồng bộ được ba yếu tố này thì thời gian nộp thuế mới có thể được cải thiện.
PV: Xin cảm ơn bà!./.