"Doanh nghiệp dệt may làm gì để chủ động tận dụng tốt cơ hội khi hội nhập" là nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội nghị “Lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam năm 2016: Hiệp định TPP - Những cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM tổ chức sáng nay (8/4).
Phần lớn các nguyên liệu dệt may của doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu từ các nước ngoài khối TPP (ảnh minh họa: KT) |
Hiệp định thương mại TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội: đó là quy mô của thị trường được mở rộng, Việt Nam có cơ hội tiếp thu công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Để tận dụng được cơ hội này còn phụ thuộc vào năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, ở lĩnh vực dệt may, để được hưởng thuế suất ưu đãi nhập khẩu vào thị trường Mỹ hàng dệt may của Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ từ sợi. Tuy nhiên, phần lớn các nguyên liệu dệt may của doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu từ các nước ngoài khối TPP. Đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Trước khó khăn này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: để có được nguồn nguyên liệu ổn định sản xuất và hưởng thuế ưu đãi các doanh nghiệp dệt may, vải, sợi, nhuộm …. phải liên kết theo chuỗi. Chứ không nên một doanh nghiệp làm khép kín từ khâu đầu đến cuối.
Bên cạnh đó, các quy định xuất xứ về nguyên liệu dệt may được quy định rất kỹ lưỡng, chi tiết. Do đó, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu và tham vấn kỹ về những quy định này. Nếu hồ sơ không đúng quy định sẽ bị xử phạt rất nặng. Vì các nước nhập khẩu có quyền hậu kiểm hồ sơ của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong vòng 5 năm. Bên cạnh đó, nhà nước phải kịp thời có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu dệt may, nhuộm…
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: “Nhà nước ưu đãi vốn cho vay như thế nào, giảm thuế đất như thế nào? Từ nay tới TPP có hiệu lực thì nhà nước giảm thuế như thế nào để có doanh nghiệp có đầu tư như thế nào thì phải cụ thể. Về vấn đề, xử lý nước thải được nhà nước đầu tư hệ thống xử lý nước thải chung như thế nào cho nó tốt hơn. Vì xử lý nước thải công nghiệp hỗ trợ của dệt may rất đắt”.
Bên cạnh đó, khi gia nhập TPP, các doanh nghiệp phải chú ý các vấn đề sở hữu trí tuệ. Vấn đề này, hiện chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đúng mức. Trong khi, khi hiệp định này có hiệu lực nếu doanh nghiệp vi phạm thì sẽ bị xử lý rất nặng.
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cho rằng: “Sắp tới, sẽ có những thay đổi rất lớn về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Luật pháp Việt Nam sẽ hoàn chỉnh hơn, cải thiện hơn. Việc thực hiện pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp Việt Nam và doanh ngoài nước ngoài sẽ nghiêm khắc, rạch ròi hơn”./.