Nhằm triển khai các hoạt động liên quan đến Kế hoach – Chiến lược Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) về chuỗi giá trị toàn cầu, hôm nay, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo: “APEC về tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị ngành dệt may”.

bo_cong_thuong_copy_gxhk.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú phát biểu tại hội thảo

Dệt may là một trong những ngành thế mạnh của chiến lược sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Ngành dệt may Việt Nam hiện có khoảng 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mức độ liên kết còn yếu, sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn hạn chế.

Ông Phan Thế Vịnh, Giám đốc Công ty cổ phần may nông nghiệp, có trụ sở tại Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp dệt may chủ yếu tham gia công đoạn gia công, nguyên liệu đầu vào chủ yếu nhập khẩu. Trong khi đó, doanh nghiệp dệt chưa đáp ứng được yêu cầu cao của đối tác nước ngoài hoặc nếu sản xuất được phụ liệu thì giá thành cao.

Ông Phan Thế Vịnh nói: "Chúng tôi mong muốn nhà nước có những chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất được nguyên phụ liệu đầu vào như vải, đảm bảo chất lượng và giá thành, để hạn chế nhập từ ngoài về vì nhập từ nước ngoài về, kể cả như khuy, cúc…như thế hạn chế giá trị gia tăng. Trước đây đã đầu tư một số nhà máy dệt lớn nhưng chưa hiệu quả,” ông Vinh nói.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu một cách trực tiếp hay gián tiếp. Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực phối hợp với một số thành viên APEC để tiến hành một số nghiên về tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành dệt may tại một số nền kinh tế thành viên APEC như: Trung Quốc, Indonesia, Mexico và Việt Nam.

Chia sẻ từ kinh nghiệm Indonesia, ông Acuviarta, chuyên gia kinh tế, Đại học Pasundan, Indonesia cho biết, ngành dệt may đóng góp quan trọng về xuất khẩu của nước này. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, cần hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vùng sản xuất nguyên liệu; hỗ trợ vay vốn ngân hàng; quy hoạch logistic, cảng kho bãi tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; định hướng sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước; đồng thời áp dụng công nghệ để sản xuất các sản phẩm giá trị cao…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia vào chuỗi giá trị một cách bền vững./.