Sáng nay (18/2), tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 2014-2015, Phó trưởng ban chỉ đạo và đổi mới phát triển doanh nghiệp Phạm Viết Muôn cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ CPH các DNNN, trong tháng 2/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết về thoái vốn Nhà nước, định hướng cho thoái vốn dưới mệnh giá sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định; chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị lớn theo mệnh giá; phương thức thoái vốn, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian; thoái vốn đầu tư tại các công ty đại chúng thua lỗ.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ được xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, công ty 100% vốn nhà nước.

Điều quan trọng là giá mua theo thị trường, không cao hơn giá trị sổ sách trừ khoản dự phòng giảm giá. 

dnnn.jpg

Cũng tại hội nghị này, báo cáo trước Thủ tướng, ông Phạm Viết Muôn cho biết: Từ năm 2011 đến hết năm 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 81 doanh nghiệp.

Tổng số doanh nghiệp cổ phần hóa từ trước đến này là 4.065 doanh nghiệp, bao gồm 3.650 doanh nghiệp và 415 bộ phận doanh nghiệp. Với kết quả này đã giảm số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tính đến 31/12/2013 còn 949 doanh nghiệp (chưa kể nông, lâm trường quốc doanh).

Cổ phần hóa tiếp tục được xác định là khâu trọng tâm, là giải pháp chủ yếu, triệt để, hiệu quả trong tái cơ cấu DNNN. 

Cũng theo ông Phạm Viết Muôn, trong 3 năm cổ phần hóa được 99 doanh nghiệp (năm 2013 được 74 doanh nghiệp), trong đó có 19 tổng công ty nhà nước, số cổ phần chào bán trị giá gần 19.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này hầu hết đều có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, tài chính phức tạp.

Điều đáng mừng là tổng doanh thu năm 2011 của các DNNN đạt 1.638.000 tỷ đồng, năm 2012 đạt 1.709.000 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp hoạt động có lãi.

Năm 2013, riêng 18 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quy mô lớn, có vốn nhà nước là 840.000 tỷ đồng (chiếm 83% vốn nhà nước tại các doanh nghiệp). Tài sản các doanh nghiệp này đạt 1.989.000 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt 1.184.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 191.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 136.000 tỷ đồng. Có 17/18 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước loại này có lãi.

Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt 16,19% và tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,3 lần.

Hiệu quả của doanh nghiệp chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng lực cạnh tranh thấp. Vốn nhà nước tăng mạnh nhưng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, tỷ suất lợi nhuận trên vốn tăng không tương ứng. Một số doanh nghiệp tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao, không an toàn.

Mỗi năm phải cổ phần hóa 216 doanh nghiệp

Theo các Đề án đã phê duyệt, do 3 năm 2011-2013 đạt thấp nên số doanh nghiệp có cổ phần hóa còn lại trong 2 năm 2014-2015 là 432 doanh nghiệp, bình quân mỗi năm phải cổ phần hóa 216 doanh nghiệp.

Để thực hiện được mục tiêu này, ông Muôn cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế mới, phù hợp, khả thi để bán, giao, giải thể, phá sản 22 doanh nghiệp.

Kết quả cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp đạt thấp so với yêu cầu phê duyệt. Thậm chí, một số địa phương, bộ, tập đoàn chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào.

Cụ thể, ngay tại Hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà thay mặt thành phố nhận khuyết điểm trước Thủ tướng và cho biết: “Năm 2013 thành phố không CPH được DN nào mà theo kế hoạch là 9 DN”.

Trong tổng số 4.164 tỷ đồng mà các DNNN đã thoái vốn, chỉ có 276 tỷ đồng bán ra bên ngoài, còn lại 3.894 tỷ đồng là trong nội bộ. 

Ngoài ra, hoạt động giải thể, phá sản doanh nghiệp cũng mất rất nhiều thời gian. Quản trị doanh nghiệp, năng lực, trình độ, phẩm chất của đội ngũ quản lý chủ chốt đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới nhanh chóng, toàn diện, triệt để và bền vững.

Về nội dung này, phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng: Nhiều DN không cổ phần hóa được, không làm việc khác được, thì chỉ phá sản thôi… thế nhưng điều kiện để DN phá sản hiện nay rất khó khăn, DN không thể làm được./.