Ngày 26/9, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò và tác động của truyền thông trong tiến trình ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam”.

Tham dự hội thảo, các đại biểu cho rằng, khái niệm về cây trồng biến đổi gen, những giá trị mà loại cây trồng này mang lại cũng như những đóng góp và tác động của nó vẫn là đề tài khá mới mẻ đối với đại đa số công chúng trong nước.

Mặc dù lợi ích của việc ứng dụng công nghệ biến đổi gen đối với cây trồng đã được khoa học và thực tế chứng minh, tuy nhiên vẫn còn không ít ý kiến trái chiều về lợi ích và sự an toàn của việc ứng dụng công nghệ này như: Ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cây trồng lương thực truyền thống….

Hiện nay cây trồng biến đổi gen được canh tác ở 29 nước trên thế giới. 61 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép sử dụng cây trồng biến đổi gen làm thực phẩm. Việt Nam xác định phát triển và ứng dụng cây trồng biến đổi gen là nhiệm vụ quan trọng của chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp quốc gia.

ht1_juqr.jpgĐại diện lãnh đạo Học viện Báo chí và tuyên truyền tham luận tại hội nghị.
Theo “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”, Việt Nam hướng tới đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất đến năm 2015, và đến năm 2020 sẽ phát triển từ  30% - 50% các giống cây trồng biến đổi gen trong trồng trọt.

Đến nay, đã có hơn 600 công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố chứng minh trong nước về tính vô hại của sinh vật biến đổi gen, trong khi chưa có một minh chứng khoa học nào cho luận điểm rằng, sản phẩm biến đổi gen có nguy cơ không an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Theo ý kiến các đại biểu dự hội thảo, vai trò và tác động của truyền thông trong tiến trình ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại trong việc áp dụng thành tựu khoa học nổi bật của nhân loại, trong đó cây trồng biến đổi gen là một minh chứng.

Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Giám đốc Học viện Báo chí tuyên truyền cho rằng: Thời gian qua, việc đưa ra những nguồn tin chưa được cập nhật và cách thức tuyên truyền không rõ định hướng đã dẫn đến những hiểu lầm, gây tâm lý lo ngại của dư luận về cây trồng biến đổi gen. Vì vậy, truyền thông phải đóng vai trò then chốt trong định hướng dư luận và phổ biến kiến thức ứng dụng công nghệ cây trồng biến đổi gen này đến người dân nói chung và nông dân nói riêng.

“Các cơ quan báo chí truyền thông phải tiếp cận, truyền tải thông tin một cách đầy đủ đến người dân - đây là yếu tố quan trọng nhất. Muốn làm được điều này chính các phóng viên, nhà báo cũng như các cơ quan quản lý về báo chí và truyền thông phải có định hướng trong việc thông tin cũng như tạo điều kiện để phóng viên của mình tiếp cận thông tin cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam như thế nào. Nếu không có những thông tin và am hiểu về lĩnh vực này thì thông tin đưa đến người dân nói chung và nông dân nói riêng sẽ không đầy đủ và toàn diện, thậm chí là sai lệch thông tin”, ông Nguyễn Hồng Kỳ nêu ý kiến./.