Sáng 20/6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2035 thực trạng và định hướng”.

Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, cùng gần 250 đại biểu đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, các viện, trường, đơn vị nghiên cứu và các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước.

Tại hội thảo, các diễn giả trong nước và quốc tế đã tập trung làm rõ, hệ thống hóa lý luận về chính sách công nghiệp, chính sách phát triển công nghiệp, kinh nghiệm quốc tế (Nhật Bản, Hàn Quốc...) và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, phân tích, đánh giá chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam trong quá trình CNH - HĐH đất nước; những yêu cầu đặt ra, công cụ, giải pháp đối với chính sách phát triển công nghiệp ở nước ta trong quá trình CNH - HĐH và điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015, gắn liền với các Hiệp định thương mại tự do đa tầng nấc mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết.

ong_vuong_dinh_hue_qnzj.jpg
Ông Vương Đình Huệ

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, chính sách phát triển công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia, thường được hiểu là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, giải pháp và công cụ mà Nhà nước sử dụng để tác động lên các chủ thể kinh tế - xã hội nhằm giải quyết các vấn đề của công nghiệp, thực hiện các mục tiêu công nghiệp theo định hướng tổng thể của đất nước.

“Việt Nam cần xây dựng nền công nghiệp và thương hiệu công nghiệp quốc gia với tầm nhìn trung, dài hạn, có lộ trình cho từng giai đoạn phát triển. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương và có chính sách phù hợp để xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm, tập trung vào những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu”, ông Vương Đình Huệ khẳng định.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội thảo quốc tế chính sách công nghiệp.
Qua 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thiết lập được hệ thống cơ chế, chính sách, tạo dựng thể chế mới nhằm thực hiện mục tiêu CNH, HĐH, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, các diễn giả cũng chỉ rằng, quá trình CNH - HĐH ở Việt Nam vẫn còn chậm, chưa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Đặc biệt, tiêu chí cụ thể cho mục tiêu CNH, HĐH chưa toàn diện, đồng bộ và công nghiệp phát triển còn nặng về quy mô, chất lượng, hiệu quả còn thấp.

Chính vì vậy các đại biểu cho rằng: Chính sách công nghiệp của Việt Nam phải hướng đến sự phát triển bền vững, tính đến những yếu tố môi trường, sản xuất xanh, sản xuất sạch, và gia tăng hàm lượng công nghệ, hàm lượng chất xám trong các sản phẩm được sản xuất.

Chia sẻ kinh nghiệm về chính sách phát triển công nghiệp trên thế giới, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: Những chính sách theo chiều sâu về phát triển công nghiệp ở Đông Á, Hoa Kỳ đối với khu vực tư nhân vẫn là chìa khóa mấu chốt cho thành công, kể cả trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa khi chính sách công nghiệp vẫn do khu vực công dẫn dắt.

“Rốt cuộc khu vực tư nhân vẫn là người cuối cùng thực hiện chính sách, do đó chúng ta cần tạo dựng năng lực tư nhân trong giai đoạn đầu của chính sách công nghiệp là điều nhất thiết phải làm đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phải thường xuyên đối thoại với khu vực tư nhân đây chính là căn nguyên thành công của khu vực Đông Á”, bà Victoria Kwakwa chia sẻ.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ: Đến nay Việt Nam đã ký 10 Hiệp định thương mại tự do, năm 2015 sẽ có thêm 8 Hiệp định thương mại tự do nữa được ký kết, trong đó có thể cả Hiệp định TPP. Từ nay đến năm 2020 sẽ có trên 20 Hiệp định thương mại tự do được ký.

Chính vì vậy, để đưa ra được chính sách đúng, cần phải nhận dạng đúng những cơ hội và thách thức để đưa ra các quyết sách phù hợp và khôn ngoan nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo Phó Thủ tướng, chính sách công nghiệp chính là nhằm mục tiêu phát triển công nghiệp theo định hướng chiến lược và qui hoạch, khắc phục hạn chế hiện nay.

“Trước thực trạng chúng ta đang phát triển công nghiệp nhanh, việc tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ sẽ trở thành động lực chính sách cho phát triển công nghiệp. Muốn nâng cao năng lực sáng tạo của Đất nước hay của ngành công nghiệp, chính sách về bảo vệ sở hữu trí tuệ là vấn đề cần hết sức được quan tâm”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định.

Những ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo ban, bộ, ngành trung ương, địa phương lần này sẽ được Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, chắt lọc báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới./.