Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là bản Quy hoạch thứ 2 của ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam tính cho đến thời điểm hiện nay. 

Vẫn với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước - trong bối cảnh 10 năm triển khai thực hiện nhưng không đáp ứng được hầu hết các tiêu chí đề ra tại bản Quy hoạch lần đầu. Đồng thời, chỉ còn chưa đầy 4 năm nữa (năm 2018), thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trường ASEAN vào Việt Nam bằng 0%. Phải chăng vì thế mà bản Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam lần này được nhận định là có tính khiêm nhường hơn, đi vào thực chất hơn?

o_to_zyrd.jpg

Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô một cách khoa học (ảnh minh họa)

Nếu nhìn lại mục tiêu của Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam (được ban hành lần đầu tiên vào tháng 10/2004) với các con số đặt ra, đáp ứng ở mức cao nhất  - từ 30% đến thậm chí trên 80% nhu cầu thị trường trong nước vào năm 2010 - ở tất cả các dòng xe thông dụng, xe chuyên dùng đến xe cao cấp… thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã thất bại. Bởi đến nay, vẫn chưa thấy bóng dáng của một thương hiệu xe cá nhân nào, cho dù suốt gần 10 năm loay hoay đi tìm một dòng xe chiến lược!

Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp ô tô lần đầu tiên khi ấy  cũng đặt ra những mục tiêu lớn về tỷ lệ nội địa hóa, thậm chí lên tới hơn 60%; rồi giá trị sản lượng xuất khẩu ô tô và phụ tùng cũng phải đạt tới 10% vào năm 2010...

Tất cả đã bất thành khi tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược và Quy hoạch ngành, cả nhà quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia cùng chua xót cho rằng: với rất nhiều ưu đãi, Việt Nam đã có được hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường, nhưng mới dừng lại ở một ngành công nghiệp lắp ráp ô tô với các công đoạn hàn, tẩy rửa sơn và lắp ráp. Cũng vì thế mà mục tiêu được làm chủ dây chuyền máy móc, thiết bị từ chuyển giao công nghệ cũng dừng lại ở niềm mong ước. May mắn thay, cũng đã có được một số linh kiện, phụ tùng, chi tiết nhỏ cung ứng cho các dây chuyền lắp ráp ấy, tuy ở một tỷ lệ không đáng kể!

Bản Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam lần thứ hai vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 1211/QĐ-TTg) ngày 24/07/2014 có 2 điểm mới đáng kể:

Thứ nhất, thay vì loay hoay với dòng xe chiến lược phải là ô tô con, xe cá nhân (4, 5, 7 hay 9 chỗ), Quy hoạch lần này đã chỉ rõ việc “chú trọng phát triển các dòng xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn” phù hợp với Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và nông dân Việt Nam. Quy hoạch cũng xác định “chú trọng phát triển các loại xe khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, liên huyện và nội đô… phù hợp với điều kiện địa hình, hạ tầng giao thông trong nước với giá thành an toàn và tiện dụng”.

Nhưng quan trọng hơn, quy hoạch lần này đã đặt trọng tâm vào việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô; phấn đấu chế tạo được một số chi tiết quan trọng, trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Tất cả đã được xác định rõ ràng, thực chất hơn, cụ thể hơn trong Chiến lược và Quy hoạch mới. Nhưng đó mới chỉ là đường hướng cho mọi hành động. Điều mà khi ban hành, bản Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô cách đây 10 năm cũng được hồ hởi đón nhận, tung hô và tràn đầy hy vọng. 

Sự thất bại của việc thực thi Quy hoạch này trong 10 năm qua là bài học của sự dàn trải trong chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, trong khi thiếu những cơ chế hỗ trợ cho công nghiệp hỗ trợ và một thị trường tiêu thụ nhỏ bé bị hạn chế bởi cơ sở hạ tầng chưa phù hợp.

Bài học ấy vẫn còn nhỡn tiền với hôm nay, khi bản Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp ô tô vừa có hiệu lực thi hành.

Chỉ đơn cử, việc xác định đến năm 2020 sẽ cơ bản hình thành một ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô. Nhưng, với hàng nghìn chi tiết trên mỗi chiếc xe ô tô là cả một khối lượng khổng lồ, đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của các ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện và điện tử…

Trong điều kiện tiềm lực non trẻ của một ngành công nghiệp lắp ráp ô tô, lại đang đứng trước ngưỡng cửa của những dòng xe nguyên chiếc từ thị trường ASEAN có giá cạnh tranh vào Việt Nam vì không còn bị đánh thuế nhập khẩu (từ năm 2018)  nếu vẫn tiếp tục thực hiện Quy hoạch một cách dàn trải, liệu mục tiêu đáp ứng 30-40% (về giá trị) nhu cầu linh kiện, phụ tùng của sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước vào năm 2020 có trở thành hiện thực ?

Nhiều quan điểm cho rằng, với những ưu thế, tiềm lực thực tế của Việt Nam, nên tập trung cho công nghiệp cơ khí và chỉ cần cung ứng được một chi tiết nhỏ trong một hộp số hay một động cơ cho một dòng xe, Việt Nam đã có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Và khi đó, mới là thực chất của sự phát triển và thành công!./.