Cuối năm ngoái, lãi suất huy động hạn dài của hàng loạt các ngân hàng lớn giảm chỉ còn 6,2 - 7%/năm. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, lãi suất huy động của các ngân hàng hiện nay vẫn có sự chênh lệch lớn.

tin_dung_uemw.jpg
Dù nhận định lãi suất có khả năng hạ, song việc hạ lãi suất khó có thể diễn ra trên diện rộng, mà chỉ thông qua vận động một số ngân hàng, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng cần thay đổi chính sách tín dụng và cách điều hành chính sách tín dụng.

Theo đó, điều hành tín dụng phải gắn với mục tiêu ổn định lãi suất trong trung và dài hạn dựa trên nền tảng ổn định lạm phát ở mức thấp để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không chạy theo thành tích về lượng vì có thể kéo theo những hình thức nới lỏng có nhiều hệ lụy như: tín dụng ngoại tệ, bất động sản, tín dụng dưới chuẩn…

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Sắp tới, về tài khóa cần chủ động thắt chặt trong trung hạn. Không cố định thâm hụt ngân sách phải mở mức bội chi là 5% mỗi năm mà phải giảm dần xuống, cộng với đó là phải có giảm, có cam kết trả nợ, tránh tư duy dự toán bao nhiêu phải chi hết bấy nhiêu. Từ đó giảm áp lực nợ công và giảm phát hành trái phiếu Chính phủ. Giảm phát hành trái phiếu Chính phủ là để giảm chèn lấn tiếp cận tín dụng của kinh tế tư nhân, giảm áp lực nợ công. Đây cũng là điều kiện mở đường cho nới lỏng chính sách tiền tệ - tín dụng và như vậy thì thị trường vốn mới vận hành đúng nghĩa của nó được”./.