Ngày 21/7, tại Hà Nội, Bộ KHCN cùng Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức Diễn đàn Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) và doanh nghiệp tại TP Hà Nội.

IPP là chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) được Chính phủ Việt Nam và Phần Lan tài trợ nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tiến trình Đổi mới - Sáng tạo trong Doanh nghiệp như hoạt động đổi mới công nghệ, quy trình quản lý, phát triển sản phẩm, dịch vụ, ý tưởng kinh doanh mới…

Diễn đàn là hoạt động trong khuôn khổ giai đoạn 1 (2009-2012) của IPP thực hiện thí điểm hỗ trợ 8 địa phương, gồm Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang. Ngân sách ban đầu của dự án là 3 triệu Euro do Phần Lan đóng góp và 9,5 tỷ đồng do Việt Nam đóng góp. Sau khi có ngân sách bổ sung, ngân sách của dự án cho giai đoạn 1 là 5.618.000 Euro.

Chương trình IPP ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực CNTT, CN sinh học, CN sạch, cơ khí, cơ khí chính xác, năng lượng sạch và một số lĩnh vực khác nếu thấy cần thiết... ưu tiên các hoạt động có định hướng giảm nghèo, phục vụ cộng đồng và người nghèo.

Theo thống kê về khả năng đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 100/146 trong xếp hạng sử dụng tri thức cho tăng trưởng, xếp thứ 75/133 về chỉ số cạnh tranh toàn cầu và thứ 64/133 về sáng tạo
Đại diện hàng trăm doanh nghiệp trẻ trên địa bàn TP Hà Nội tham gia diễn đàn hiểu rõ hơn về IPP với những cơ hội, lợi ích mà IPP mang lại cho doanh nghiệp, trong đó nổi bật là diễn đàn giúp các doanh nghiệp nhận thức đúng đắn hơn về vai trò của ĐMST trong phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp được trực tiếp giao lưu, trao đổi với nhau nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác.  

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT- Giám đốc Công ty Dệt May Mỹ Đức Hà Nội đánh giá: “Diễn đàn này rất bổ ích đối với các doanh nghiệp. Chúng tôi tham gia diễn đàn không chỉ có cơ hội để thể hiện ý tưởng đổi mới sáng tạo nhằm tiếp cận nguồn vốn, quan trọng hơn là được trực tiếp gặp gỡ đối tác, trao đổi, học hỏi về ý tưởng kinh doanh, sáng tạo, đổi mới công nghệ, quản trị doanh nghiệp”.

Còn bà Vũ Thị Kim Thuý, Giám đốc Công ty TNHH thương mại, xây dựng và du lịch Hiện Đại băn khoăn: “Cơ hội tham gia dự án không hề dễ, vì doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay rất nhiều, nguồn vốn IPP có hạn. Tôi nghĩ, để đạt được nguồn vốn của dự án, ý tưởng doanh nghiệp không nên chỉ trọng tâm đến lợi nhuận mà cần đạt cả hiệu quả xã hội, đặc biệt là hướng đến cải thiện đời sống cho cộng đồng người nghèo”.

Ông Trần Quốc Thắng, Giám đốc Chương trình IPP nhấn mạnh: “Cho đến nay, hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam rất hạn chế và họ cũng ngại đầu tư phát triển sản phẩm. Do đó, Chương trình sẽ là cầu nối thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Trong các doanh nghiệp, phát triển KHCN giúp doanh nghiệp có thể cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường trong nước và quốc tế”.