Mặc dù Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) muốn giữ lại Công ty Thông tin di động MobiFone trong phương án tái cơ cấu tập đoàn này, song phương án cuối cùng mà tập đoàn này trình lên Bộ Thông tin Truyền thông và Chính phủ lại là tách MobiFone ra thành tập đoàn riêng để cổ phần hóa và cạnh tranh trực tiếp với VNPT. Giới chuyên gia cho rằng phải "mất" MobiFone cũng là do lỗi của VNPT.Phát biểu tại cuộc tọa đàm “Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam” do Câu lạc bộ nhà báo công nghệ thông tin tổ chức tại Hà Nội vào chiều ngày 14/2, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cho rằng, chủ trương cổ phần hóa MobiFone đã có từ năm 2005 nhưng do nhiều lý do khác nhau, chủ yếu do nội tại VNPT nên việc cổ phần hóa MobiFone không thực hiện được, giờ đây tập đoàn này mới lâm vào cảnh dù không muốn mà vẫn phải tách MobiFone và một số doanh nghiệp thuộc VNPT thành một tập đoàn riêng.

“Hiện MobiFone là doanh nghiệp chủ lực, chiếm gần 60% lợi nhuận của VNPT và cũng do bao công sức của tập đoàn này gây dựng lên. Phải tách MobiFone ra là một thiệt thòi và là một việc bất đắc dĩ mới phải làm. Tách MobiFone ra thì VNPT sẽ khó khăn,” ông Trực nói.

Tuy nhiên, ông Trực cho rằng, mặc dù không muốn mà vẫn phải tách VNPT thành hai tập đoàn cạnh tranh với nhau cũng là do lỗi của VNPT. Nếu VNPT cổ phần hóa MobiFone từ 2006 theo chủ trương của Thủ tướng thì vẫn có thể nắm được 80% cổ phần của MobiFone và phát triển mạnh mạng VinaPhone. Nếu theo các quy định sau này, thì VNPT phải thoái vốn, chỉ còn được nắm giữ 20% cổ phần trong MobiFone thì vẫn tốt vì như vậy VNPT vẫn là một trong những cổ đông của MobiFone, mà không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp như theo phương án tái cơ cấu mới trình lên Chính phủ liên quan đến tách MobiFone ra thành tập đoàn độc lập.

“Nhưng khi tách MobiFone ra khỏi VNPT phải thực hiện cổ phần hóa ngay. Chứ nếu tách ra thành tổng công ty riêng để cho các doanh nghiệp lớn cùng là nhà nước cạnh tranh với nhau là không lành mạnh,” ông Trực nói.

Cũng tại buổi tọa đàm trên, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin Truyền thông và ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Quản lý kinh tế Trung Ương, chia sẻ ý kiến rằng nếu Chính phủ đồng ý phương án trên thì sau khi tách ra khỏi VNPT, MobiFone chắc chắn sẽ sớm được cổ phần hóa, có thể trong năm 2015 hoặc 2016.

Một câu hỏi đặt ra là đối tác nước ngoài sẽ được nắm tối đa bao nhiêu cổ phần MobiFone? Ông Hải cho biết theo cam kết khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì nước ngoài có thể tham gia 49% cổ phần tại MobiFone. Nhưng Việt Nam đang tham gia đàm phán hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương(TPP) và chưa biết theo hiệp định này thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ được nắm giữ bao nhiêu phần trăm cổ phần tại doanh nghiệp này.

Được biết, khi tách ra khỏi tập đoàn VNPT, MobiFone sẽ “mang theo” một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thuộc VNPT. Tuy nhiên, ông Hải cho biết, việc cổ phần hóa chỉ thực hiện với công ty MobiFone thuộc tập đoàn Thông tin di động MobiFone; đối tác tham gia cổ phần hóa MobiFone không phải lo gánh nợ của các công ty đi theo MobiFone khi tách khỏi VNPT.

Có mặt tại tọa đàm trên, ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc công ty cổ phần CMC (đơn vi tham gia thị trường viễn thông với dịch vụ internet cố định), cho rằng nếu ba doanh nghiệp viễn thông chiếm vị thế chi phối thị trường tiếp tục lại là ba doanh nghiệp nhà nước thì doanh nghiệp tư nhân sẽ không có “cửa” nào phát triển.

“Tuy nhiên, nếu MobiFone tách ra để sẵn sàng cổ phần hóa thì đó là dấu hiệu đáng mừng. Bởi nếu hình thành được một doanh nghiệp có vốn đầu tư tư nhân tầm cỡ, lại là một trong ba doanh nghiệp trụ cột về viễn thông di động thì tính cạnh tranh thị trường sẽ có. Khi thị trường viễn thông đã theo quy luật thị trường thì CMC mới có cơ hội và khả năng phát triển,” ông Chính nói.

Ông Trực cho rằng, trước đây thị trường viễn thông Việt Nam có cạnh tranh nhưng chưa hoàn hảo vì trong lĩnh vực viễn thông di động thì ba doanh nghiệp lớn chiếm thị phần chi phối (Viettel, VinaPhone, MobiFone) đều là doanh nghiệp của nhà nước. Trong khi đó để đảm bảo tính cạnh tranh thì chỉ cần một hoặc hai doanh nghiệp nhà nước, còn lại có thể là doanh nghiệp cổ phần hoặc tư nhân.