Sáng nay (25/11), Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL 2013 – hoạt động nổi bật đầu tiên trong chuỗi sự kiện tại Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL – MDEC Vĩnh Long 2013 đã khai mạc.

hoi-nghi-dau-tu-db.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ Vũ Văn Ninh (ngồi giữa) đã tham dự và chỉ đạo hội nghị.

ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất nước ta, có diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng gần 3 triệu ha. Ngoài thế mạnh nông nghiệp, thủy sản, thời gian gần đây, vùng này còn được quan tâm đầu tư và thể hiện ngày càng rõ nét vị thế của một trong những trung tâm năng lượng lớn của cả nước. Bên cạnh đó, từ sự đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông được đầu tư, nhiều công trình lớn của vùng đã đi vào sử dụng như: sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc, nâng cấp tuyến Quốc lộ 1A từ Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đặc biệt, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đưa vào khai thác, thời gian di chuyển đến ĐBSCL rút ngắn đáng kể. Qua đó, đã góp phần vào sự phát triển chung của vùng. Đây cũng là điểm thuận lợi mà các địa phương và doanh nghiệp tham dự tại hội nghị xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL 2013 nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nêu rõ: ĐBSCL là vùng đất đầy tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, thủy sản, kinh tế biển, có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng chung của cả nước. Thời gian qua, các địa phương trong vùng thời gian qua đã tranh thủ các nguồn lực, sáng tạo trong thu hút kêu gọi đầu tư, tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận, tìm hiểu và đi đến quyết định đầu tư với 802 dự án còn hiệu lực đến tháng 9/2013, tổng vốn đăng ký khoảng 11 tỷ USD.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trong kêu gọi và thu hút đầu tư, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, thu hút các dự án đầu tư chưa nhiều, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

Để khắc phục nhanh những hạn chế và đưa công tác xúc tiến đầu tư sớm đi vào thực tiễn bằng những dự án cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần đa dạng hóa các hình thức kêu gọi, xúc tiến đầu tư và cụ thể hóa từng lĩnh vực bằng quyết tâm cao nhất để thu hút mạnh đầu tư, làm chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Ninh chỉ đạo:Trong thời gian tới, chúng ta cần phải quy hoạch lại sản xuất, gắn với thị trường. Trên cơ sở đó lựa chọn những cây con thế mạnh gắn với đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh đó cũng tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cơ sở về giao thông, thủy lợi, cảng biển, sân bay, tạo môi trường cho các nhà đầu tư; đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.Ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, đơn vị đăng cai diễn đàn MDEC lần này cho rằng: “Hội nghị là nơi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về chính sách, tiềm năng, cơ hội đầu tư; đồng thời nêu lên những khó khăn vướng mắc và đề ra giải pháp kiến nghị nhằm thúc đẩy hơn nữa các nguồn lực đầu tư cho vùng. Đây cũng là dịp để Vĩnh Long giới thiệu tiềm năng lợi thế của mình; tăng cường thiết lập các mối quan hệ hợp tác”.

Tuy nhiên, tại hội nghị, ý kiến của nhiều đại biểu tham dự đều có những nhận định cho thấy tuy ĐBSCL có nhiều tiềm năng kinh tế với thế mạnh về xuất khẩu nông, thủy sản, nhưng sản phẩm nơi đây làm ra vẫn bấp bênh, đời sống nông dân còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, đại diện các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cho rằng việc tiếp tục hoàn thiện mô hình sản xuất mới trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ Khoa học Kỹ thuật trong sản xuất, làm cho hàng hóa có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới chính là những yêu cầu và mong muốn đặt ra của các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.

Bên cạnh đó, việc chỉ ra những thách thức, nhu cầu đầu tư của vùng; tăng cường liên kết giữa các tỉnh trong vùng, liên kết vùng với TP HCM, các khu vực khác trong cả nước; đối thoại về cơ chế chính sách, những sáng kiến nhằm phát triển và khai thác tiềm năng, lợi thế vùng; kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào vùng; thể hiện trách nhiệm xã hội với người dân thông qua các hoạt động tài trợ an sinh xã hội... là điều rất cần thiết để góp phần thúc đẩy sự phát triển của ĐBSCL trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Trưởng ban chỉ đạo diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL – MDEC Vĩnh Long 2013 nhấn mạnh: Tại hội nghị lần này sẽ mở ra cơ hội mới để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của vùng; tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận các dự án trọng điểm; tìm hiểu các cơ chế về chính sách ưu đãi đầu tư.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội ĐBSCL 2013 lần này, đã có 138 dự án kêu gọi đầu tư với số vốn hơn 416.000 tỷ đồng và 1,89 tỷ USD. Trong đó, TP Cần Thơ, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long đăng ký trao chứng nhận đầu tư 26 dự án với số vốn trên 6.000 tỷ đồng và 93 triệu USD; An Giang, Bạc Liêu và Trà Vinh đăng ký trao 4 chủ trương đầu tư với số vốn là 1.838 tỷ đồng.../.