Sự kém năng động và đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng nên các nhà đầu tư nước ngoài chưa quan tâm nhiều đến ĐBSCL. Cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư và nâng cao năng suất lao động chính là đòn bẩy để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) ở khu vực này.

Thực trạng thu hút đầu tư từ vốn FDI thời gian qua ở ĐBSCL cho thấy 3 yếu tố cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và môi trường đầu tư tuy đã có sự cố gắng cải thiện nhưng vẫn chưa tạo được sức hấp dẫn. Trước những khó khăn chung mà các địa phương đang gặp phải thì hiện nay việc tìm ra điểm yếu và vươn lên đã được từng tỉnh, thành phố thực hiện quyết liệt.

can%20tho.jpg
ĐBSCL có nguồn lao động dồi dào nhưng chất lượng lại không cao (ảnh chụp tại Cần Thơ, nguồn Internet)

Ở tỉnh Bến Tre, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định địa phương sẽ tăng cường cải cách hành chính, mở rộng khu công nghiệp và đang dành một quỹ đất lớn để thu hút dự án FDI. Mặt khác, theo ông Trần Anh Tuấn, sắp tới, cầu Cổ Chiên hoàn thành sẽ trở thành lợi thế để tỉnh này mời gọi dự án FDI.

“Chúng tôi cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư vì lợi ích lâu dài của nhà đầu tư và của địa phương” – ông Trần Anh Tuấn nói.

Với việc thu hút nguồn vốn FDI, từ đầu năm đến nay cho thấy, Nhật Bản đứng đầu trong đầu tư FDI so tổng vốn đầu tư tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào TP Hồ Chí Minh và 3 tỉnh miền Đông là Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Riêng địa bàn ĐBSCL chỉ có Long An có dự án từ nguồn vốn này.

Thực tế, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng đã được cải thiện, giá thuê đất rẻ hơn và nguồn lao động dồi dào là lý do khiến các doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng sang khu vực ĐBSCL. Đặc biệt, bên cạnh việc khai thác lợi thế nông thủy sản, bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng... được các doanh nghiệp Nhật rất quan tâm. Tuy nhiên, theo ông Mototyuki Nakamura, Tổng giám đốc Công ty TNHH quốc tế Tri Việt có trụ sở tại Khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ, ngoài những yếu tố cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nhân lực rẻ thì môi trường đầu tư, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại ĐBSCL cần phải thông thoáng hơn.

Trao đổi vấn đề này với ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thấy nổi lên thực trạng một thời gian dài việc quản lý của cơ quan nhà nước rơi dần vào sự kém năng động. Do vậy, việc chuyển từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ, nhất là cần nâng cao trách nhiệm và nhận thức của người đứng đầu là mục tiêu mà Đồng Tháp hướng tới để cải thiện môi trường đầu tư.

“Tỉnh ủy cũng đã ban hành một chỉ thị yêu cầu cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã, phường phải quan tâm tới chỉ số năng lực cạnh tranh. Bởi có những điểm nghẽn không nằm ở lãnh đạo tỉnh mà nằm đâu đó ở ngành, huyện” – ông Lê Minh Hoan nói.

Hiện nay, ngoài sự đầu tư tích cực hơn nữa cho cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ thì 2 vấn đề còn lại cần được quan tâm là lao động và môi trường đầu tư. Phân tích những dữ liệu về lĩnh vực thu hút lao động ở ĐBSCL cho thấy, thời gian qua, khu vực này có tỷ lệ lao động rời quê hương đi làm ăn xa cao nhất cả nước. Những địa phương có sản lượng lúa, thủy sản lớn như An Giang, Kiên Giang, Cà Mau... lại có tỷ lệ hộ nghèo cao, đây thật sự là một nghịch lý. Để nâng cao thu nhập cho người nông dân và phát huy lợi thế của vùng, tái cấu trúc sản xuất chính là một vấn đề đặt ra để ĐBSCL vượt qua khó khăn. Mặt khác, nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho công tác đào tạo nguồn nhân lực để tạo tiền đề thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực chế biến, xuất khẩu các mặt hàng là thế mạnh của vùng.

Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ: Đã đến lúc ĐBSCL cần có sự dứt khoát khi đưa ra thông điệp rõ ràng về những lĩnh vực thu hút đầu tư cùng những cam kết về môi trường đầu tư. Thu hút FDI không chỉ là khai thác cái đang có về nông nghiệp mà cần hướng đến giải quyết công ăn việc làm, huy động nguồn lực khoa học, công nghệ và cải thiện mạnh mẽ công tác xúc tiến đầu tư.

Cũng theo ông Võ Hùng Dũng, cần xây dựng hình ảnh một ĐBSCL năng động, tích cực.“Trước đây, nhắc đến khu vực này người ta chỉ nói về lúa, thủy sản thì bây giờ phải nói thêm tới lợi thế so sánh mới như về kinh tế biển. Ngoài ra, những cam kết mới của lãnh đạo tỉnh phải nhất quán với nhà đầu tư”.

Những chuyển biến về phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những nhân tố giúp ĐBSCL thu hút được thêm vốn đầu tư FDI. Mặt khác, việc khai thác tốt lợi thế các sản phẩm mũi nhọn: lúa gạo, thủy sản, trái cây, công nghiệp năng lượng ở vùng ĐBSCL có thể góp phần làm cho khu vực này trở thành địa điểm đánh dấu sự thành công lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, việc cần phải làm ngay là ĐBSCL cần đưa ra thông điệp rõ ràng về những lĩnh vực thu hút đầu tư cùng những cam kết về môi trường đầu tư. Có như vậy, mới thật sự tạo đột phá để ĐBSCL trở thành một cực thu hút đầu tư và tăng trưởng của quốc gia trong tương lai./.