Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á vừa cho biết, trong năm 2015, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang các thị trường này.
Lý giải mục tiêu này, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á cho biết, với số dân hơn 1 tỷ người, nhu cầu tiêu thụ gạo ở châu Phi ngày càng lớn bởi sự tiện dụng của việc chế biến gạo so với kê và những loại ngũ cốc truyền thống khác cũng như do tỷ lệ đô thị hóa ngày càng tăng tại các nước trong khu vực này.
Mặt khác, giá gạo không còn quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân châu Phi, vì vậy gạo trở thành thức ăn phổ biến trong bữa ăn hàng ngày.
Các nước cung cấp gạo chính cho khu vực này là Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam và Mỹ, trong đó Thái Lan vẫn là nhà cung cấp gạo với khối lượng lớn nhất và chủng loại đa dạng, chiếm đến 50% tổng lượng gạo nhập khẩu của châu Phi.
Các nước Tây Á cũng có nhu cầu nhập khẩu gạo cao, trong đó có Iran, Iraq ở nhóm những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất ở Trung Đông, mua khoảng 1,2 triệu tấn gạo mỗi năm chủ yếu thông qua hình thức đấu thầu.
Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) được xem là một cửa ngõ quan trọng cho xuất khẩu gạo, bởi hiện UAE là quốc gia tái xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. UAE không chỉ tái xuất gạo và nông sản vào thị trường Trung Đông-châu Phi mà còn đến các nước Nam Á. Thị trường UAE có đặc điểm riêng là mọi hoạt động giao thương, tiếp cận đối tác được tiến hành thông qua các hội chợ triển lãm chuyên ngành được tổ chức thường xuyên và diễn ra sôi động quanh năm, chủ yếu tập trung tại Dubai.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo tại khu vực Trung Đông sẽ tăng trong năm 2015. Còn tại Nam Á, Bangladesh là nước nhập khẩu gạo lớn nhất. Việt Nam và Bangladesh vừa ký gia hạn MOU về thương mại gạo cấp Chính phủ vào đầu năm 2014.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, trong năm 2015, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục: tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại gạo; phối hợp công tác nhằm đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản. Nghiên cứu, xây dựng Đề án chiến lược phát triển thị trường gạo đến năm 2020.
Đặc biệt, sẽ đàm phán và ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo với các nước Bờ Biển Ngà, Congo, Kenya, Angola, Mozambique, Madagascar,... Giới thiệu khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp xác minh đối tác, đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết các tranh chấp phát sinh....
Hỗ trợ doanh nghiệp thành lập công ty, mở kho ngoại quan gạo tại một số thị trường trọng điểm như Cameroon, Angola, Mozambique... để tiêu thụ gạo trực tiếp. Hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai đề án đổi gạo Việt Nam lấy điều châu Phi./.